Xã hội

Lào tham vấn thủy điện Don Sahong:Việt Nam trưng ngay bằng chứng

Mục tiêu cuối cùng là phải ngăn chặn tất cả các công trình xây dựng trên dòng chảy chính sông Mekong - TS Đào Trọng Tứ.

Tại phiên họp cấp Bộ trưởng của Ủy ban Sông Mekong (MRC) diễn ra ngày 26/6 tại Bangkok (Thái Lan), Lào đã đồng ý gửi lại hồ sơ dự án thủy điện Don Sahong theo đúng quy trình tham vấn trước, thay vì bỏ qua như trước đây.

Phải ngăn mọi công trình trên dòng chính Mekong
 
TS Đào Trọng Tứ cho biết, theo quy trình đầy đủ khi thực hiện xây dựng thủy điện tại dòng chảy chính Sông Mê Kong thì Lào phải thực hiện tham vấn với các nước trước khi làm.
 
Mô hình đập Xayaburi do WWF cung cấp.
 
Kết quả đánh giá của các quốc gia tại buổi tham vấn về việc có nên làm hay không, làm thế nào, giải pháp an toàn cho môi trường ra sao... khi có được sự đồng ý của các nước lúc đó mới được thực hiện xây dựng.
 
Quy trình tham vấn trước, theo quy định, sẽ thực hiện trong thời gian ít nhất 6 tháng, bắt đầu bằng việc Ban Thư ký MRC đánh giá toàn diện các tài liệu do chủ đầu tư nộp, sau đó tiến hành hàng loạt cuộc tham vấn ở cấp vùng và quốc gia.
 
Trong quá trình thực hiện tham vấn, Lào phải dừng mọi hoạt động để chờ kết quả đánh giá và tham vấn liên quan đến dự án đập Don Sahong.
 
Liên quan đập Don Sahong, vì Việt Nam là nước cuối nguồn nên Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu cùng với Lào và Campuchia về những tác động tới môi trường trong quá trình nghiên cứu.
 
Ông Tứ cho rằng, chắc chắn, Việt Nam phải chuẩn bị đầy đủ các quy chuẩn để chuẩn bị cho tham vấn.
 
Cụ thể dựa trên các cơ sở sau: Năm 2010, Ủy hội sông Mekong đã có nghiên cứu đánh giá chiến lược các thủy điện trên sông Mekong.
 
Một trong những kết quả của nghiên cứu này đã chỉ rõ bất cứ công trình thủy điện nào được xây dựng trên dòng sông chính Mekong nó́ sẽ mang lại các tác động môi trường vô cùng "nghiêm trọng và tiêu cực".
 
Thứ hai, hiện nay Việt Nam đang cùng Lào và Campuchia cũng đã tiến hành nghiên cứu độc lập khác. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở đối chiếu với nghiên cứu, đánh giá tác động của Lào để từ đó có những so sánh, phân tích chính xác.
 
Thứ ba, Việt Nam phải chứng minh được việc Lào xây dựng thủy điện như vậy dựa trên cơ sở nào, nghiên cứu có đúng không...?
 
TS Đào Trọng Tứ tin tưởng, nếu tham vấn được thực hiện đúng quy trình, kết quả nghiên cứu được tôn trọng, thống nhất ý kiến các nước, chắc chắn Việt Nam sẽ có được kết quả.
 
"Mục tiêu cuối cùng là phải ngăn chặn tất cả các công trình xây dựng trên dòng chảy chính sông Mekong, đảm bảo không gây hại cho môi trường. Phải tham vấn tới khi đạt được kết quả đó", TS Tứ nhấn mạnh.
 
Việt Nam ảnh hưởng thế nào?
 
TS Đào Trọng Tứ cho biết, theo thỏa thuận ký năm 1995, bốn nước thành viên MRC là Lào, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đã ký Hiệp định Mekong nhất trí tham vấn lẫn nhau khi mỗi nước lên kế hoạch xây đập.
 
Mục tiêu của Hiệp định cũng như tham vấn là bảo đảm sự phát triển tài nguyên nước một cách bền vững (công bằng, hợp lý nhưng không được gây hại).
 
Đáng chú ý, Hiệp định ghi rõ bất cứ nước nào khi xây dựng thủy điện trên dòng chính Mekong phải có được sự thỏa thuận, đồng ý của các quốc gia liên quan, nếu được đồng ý dự án mới được thực hiện.
 
Quyết định này dựa trên những nghiên cứu, đánh giá tác động tới môi trường có sự tham gia của các nước.
 
Nếu cả Xayaburi và Don Sahong được xây dựng thì lần lượt các đập nước khác trên dòng Mekong sẽ tiếp tục xây dựng, cắt đứt dòng Mekong thành những đoạn hồ thủy điện.
 
Từ năm 2007, hàng chục nhà khoa học đã gửi thư ngỏ nhận định: “Tác động môi trường nghiêm trọng và tiêu cực nhất của con đập giáng xuống – điều cần quan tâm nhất cho dân cư sống hai bên Mekong và khắp phụ lưu trung và nam Lào, kể cả sông Sekong và các phụ lưu trong hai tỉnh Sekong và Attapeu, cũng như Campuchia, Việt Nam ở phía nam và Thái Lan ở phía bắc - là vào ngư sinh và ngư nghiệp".
 
Nếu Lào xây đập Don Sahongp, đập này sẽ làm rối loạn kho tàng thiên nhiên không chỉ của hai nước Campuchia và Việt Nam, mà còn của chính nước Lào.
 
Đối với Việt Nam, hệ sinh thái và sinh kế hạ lưu vực sông Mekong, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị tác động nghiêm trọng ở nhiều khía cạnh, gây suy thoái về nguồn nước, môi trường, hệ sinh thái, canh tác nông nghiệp, thủy sản, ... và nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế và an ninh xã hội".
 
Việc Lào chấp nhận tham vấn là tín hiệu tốt song ông Tứ cũng lo ngại trước tuyên bố của ông Viraphonh Viravong “Chính phủ Lào sẽ tiếp tục phát triển dự án có trách nhiệm và bền vững”.
 
Theo ông Tứ, không loại trừ khả năng Lào chấp nhận ngồi tham vấn chỉ là hình thức.
 
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo