Lập Ban chỉ đạo liên ngành xử lý nợ xấu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình làm Phó Trưởng Ban thường trực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu;
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai các giải pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng theo các mục tiêu, định hướng nêu tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp xử lý những vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án; tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành và địa phương trong phạm vi các Đề án.
Đồng thời, tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương, đồng thời tăng cường trách nhiệm, sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án; thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã đưa ra những thông tin đáng chú ý về con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam sau kết quả báo cáo triển vọng hệ thống ngân hàng 2014, công bố ngày 18/2, Moody’s đánh giá tỷ lệ những tài sản chất lượng “có vấn đề” (nợ xấu) ít nhất phải chiếm 15%, thay vì chỉ 4,7% nợ dưới chuẩn như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tháng 10/2013.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống Ngân hàng Việt Nam tăng từ 4,08% (cuối năm 2012) đến 4,73%/ tổng dư nợ tín dụng vào tháng 10/2013.
Khi tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện và dần phục hồi, cộng với những nỗ lực của hệ thống tổ chức tín dụng, diễn biến nợ xấu đã có những tín hiệu khả quan, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh về mức 3,63% tổng dư nợ tín dụng (cuối tháng 12/2013).
“Nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngân hàng Nhà nước lưu ý thêm rằng, Moody’s đánh giá nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam không dưới 15% dựa trên các phương pháp, tiêu chí, thông tin của Moody’s; còn số liệu nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước được xác định dựa trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và các thông tin chính thức.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Cột tin quảng cáo