Lắp camera chống nhục hình, bức cung liệu có khả thi?
Không thể chứng minh bị ép cung
Vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) khiến dư luận hết sức bức xúc, và thêm một lần nữa, vấn đề bức cung, nhục hình lại làm dấy lên sự quan tâm trong xã hội.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (tỉnh Thái Nguyên) kiến nghị hai giải pháp để chống dùng nhục hình bức cung. Một là lắp camera giám sát tất cả các cuộc hỏi cung. Hai là nghiên cứu để giao công tác quản lý tạm giữ, tạm giam cho một ngành khác không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có nghĩa vụ, trách nhiệm điều tra chứng minh tội phạm, nhưng cũng lại vừa có quyền quản lý giam giữ người tình nghi, cho nên khó chống triệt để việc vi phạm và lạm quyền trong giam giữ thay cho điều tra.
Với vấn đề lắp camera giám sát mọi cuộc bức cung, hỏi cung, nhiều luật sư có kinh nghiệm tại nhiều tỉnh thành đã lên tiếng.
Trao đổi với PV ngày 22/11, Luật sư Nguyễn Thanh Điệp, thuộc Đoàn luật sư Hải Phòng cho biết: “Để chứng minh mình bị bức cung, nhục hình, bị can phải đưa ra bằng chứng. Nhưng trong phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can. Vì vậy, việc các tòa yêu cầu bị can cung cấp chứng cứ mình bị đánh đập, bức cung là hoàn toàn bất khả thi. Do vậy, cần có một biện pháp để giám sát việc hỏi cung này”.
Cũng về vấn đề liệu bị can có thể chứng minh mình đã bị ép cung? Luật sư Lê Quốc Đạt (Công ty luật Trí Tuệ, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Chứng minh bị ép cung là điều không thể vì từ xưa tới nay chỉ có những người tiến hành tố tụng mới có quyền và có đủ điều kiện để chứng minh hành vi phạm tội, còn người đã bị bắt tạm giữ, tạm giam thì không bao giờ làm được điều này vì họ bị thân cô thế cô và bị hạn chế rất nhiều, kể cả quyền cơ bản của con người, không có bất cứ công cụ, phương tiện gì và chỉ có một mình mà thôi.”
Luật pháp hiện hành còn nhiều kẽ hở
Luật sư Điệp (Hải Phòng) nhấn mạnh: “Quyền có luật sư là một quyền đã được quy định tại Hiến Pháp và Bộ luật tố tụng hình sự. Luật sư có quyền có mặt trong các buổi hỏi cung. Nhưng điểm còn hạn chế tại luật pháp Việt Nam, đó là tại buổi hỏi cung đó, luật sư chỉ có quyền “tham dự” mà không có quyền hỏi, chỉ được đề nghị điều tra viên hỏi các vấn đề mà mình cần làm rõ.
Đồng thời, Việt Nam cũng chưa quy định về quyền im lặng của bị can bị cáo khi chưa có luật sư. Nếu chúng ta xem các bộ phim về tội phạm của nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ, khi bắt bất cứ ai, cảnh sát luôn phải đọc các quyền mà nghi can được hưởng, trong đó có quyền im lặng, quyền được không phát ngôn khi không có luật sư”.
Luật sư Lê Quốc Đạt (Hà Nội) khẳng định: “Việc chưa quy định “quyền im lặng” là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bức cung, nhục hình và oan sai.”
Lắp camera: Liệu có khả thi?
Luật sư Nguyễn Thanh Điệp cũng chỉ ra việc lắp camera ở các phòng giám sát là cần thiết.
“Việc lắp đặt camera để ghi lại những buổi hỏi cung nhằm hạn chế việc ép cung, dùng nhục hình cũng là một biện pháp có thể giảm thiểu được các trường hợp khi ra tòa bị cáo kêu bị ép cung, dùng nhục hình.
Tuy nhiên để có hiệu quả thật sự cần phải áp dụng đồng thời với việc nâng cao chuyên môn, sự công tâm khách quan của những người tiến hành tố tụng. Mở rộng quyền cho bị can, bị cáo (đặc biệt là quyền được im lặng, quyền được có luật sư…), tạo điều kiện hơn nữa cho luật sư tham gia vào các hoạt động điều tra.
Hơn nữa là phải có cơ chế giám sát theo dõi đồng nhất (trước và sau khi hỏi cung) để tránh tình trạng buổi hỏi cung được ghi hình “là buổi trình diễn” vì trước khi đó bị can bị cáo đã bị ép cung và dùng nhục hình rồi”,
Trong khi đó, Luật sư Lê Quốc Đạt nhận định: “Việc lắp camera không có khả thi, vì pháp luật không quy định rõ nhất thiết phải hỏi cung, lấy lời khai trong buồng hỏi cung. Hơn nữa, con người có thể can thiệp vào nội dung chương trình do camera quay, rất đơn giản”.
Ai sẽ là người được xem camera?
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Điệp chia sẻ: “Trường hợp phương án lắp camera theo dõi được chấp nhận và thực thi trên thực tế thì tôi nghĩ nó sẽ được công bố khi có khiếu nại của bị can, bị cáo trước sự chứng kiến của các cơ quan tố tụng, của chính bản thân bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ và của luật sư (nếu như bị can bị cáo có luật sư bào chữa)”
Còn luật sư Lê Quốc Đạt cho rằng: “Đây là việc cần được bàn bạc kỹ và phải luật hóa. Chắc sẽ có nhiều tranh cãi về vẫn đề này vì người tiến hành tố tụng và người bào chữa tham gia vụ án có những nhiệm vụ riêng không thống nhất. Cơ quan tiến hành tố tụng bao giờ cũng có nhiều lợi thế, nhiều quyền lực.”
- Điều 299 Bộ luật Hình sự quy định: ”Bức cung là việc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà sử dụng các thủ đoạn trái Pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây ra hậu quả nghiêm trọng thì được gọi là bức cung”. Việc bức cung thường do người tiến hành tố tụng thực hiện nhằm đạt mục đích trái pháp luật. 1. Người nào tiến hành điều tra, truy tố, xét xử mà bằng các thủ đoạn trái pháp luật buộc người bị thẩm vấn phải khai sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. - Điều 298 Bộ luật Hình sự không quy định rõ hành vi nào được coi là dùng nhục hình nhưng có thể hiểu: Dùng nhục hình là việc áp dụng các biện pháp bị Pháp luật cấm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm mục đích buộc bị can, bị cáo, bị án phải thực hiện việc khai báo, đối chất, thực nghiệm hiện trường, v v… theo hướng không đúng với sự thật khách quan của vụ án, bất lợi cho chính mình mà họ không có sự lựa chọn nào tốt hơn. 1. Người nào dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. Lưu ý: Đối với tội danh này không cần hậu quả phải xảy ra, nghĩa là chỉ cần có hành vi “Dùng nhục hình” là đã có thể xử lý được |
End of content
Không có tin nào tiếp theo