Lập lại trật tự trong khai thác, xuất khẩu titan
Những năm qua, việc cấp phép ồ ạt, buông lỏng quản lý làm cho tình trạng khai thác titan ở tỉnh Bình Định ngày càng phức tạp. Người dân bỏ ruộng đồng khai thác titan; doanh nghiệp chỉ biết khai thác và tận thu titan mà không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường; đường sá hư hỏng do xe vận chuyển titan, Nhà nước thất thu tiền thuế…
Từ cuối năm 2011, Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã kiểm tra và thu giữ 434 tấn titan thô của Công ty CP An Trường An có trụ sở đóng tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua xác minh hồ sơ, sổ sách, Công ty không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng này.
Đặc biệt, qua kiểm tra đối chiếu sổ sách cho thấy, Công ty đã trốn thuế hơn 2 tỷ đồng. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường phối hợp với Cục thuế, Công an tỉnh tiến hành khám xét, kiểm tra toàn bộ giấy tờ, sổ sách của công ty.
Ông Mai Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Định cho biết, Công ty An Trường An trong quá trình khai thác titan đã tự ý khai thác nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, mua bán titan, công ty không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với công an kinh tế, đã tạm giữ và làm rõ nguồn gốc, xuất xứ lượng hàng 434 tấn titan được coi là bất hợp pháp.
Suốt trong một thời gian dài, tình trạng khai thác titan trên địa bàn 2 huyện Phù Cát, Phỳ Mỹ, tỉnh Bình Định diễn ra hỗn loạn. Người dân địa phương bỏ cả ruộng đồng, vườn tược đi tận thu titan; doanh nghiệp khai thác gây ô nhiễm môi trường, tình trạng cát bay, phá rừng phòng hộ, xuất khẩu lậu titan gây thất thu thuế hàng tỷ đồng…
Nóng nhất là địa bàn huyện Phù Mỹ, nơi có hàng chục doanh nghiệp được khai thác titan do Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Bình Định cấp phép. Mặc dù các doanh nghiệp mới khai thác hơn 230 ha trong tổng diện tích 3.500 ha được cấp phép nhưng đã gây nhiều hệ lụy về môi trường và dân sinh.
Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho rằng, khai thác titan không theo quy hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Để xây dựng lại nề nếp, đảm bảo về mặt môi trường, tỉnh cần có chủ trương hậu kiểm, một số doanh nghiệp đã hết giấy phép thì sẽ đóng cửa mỏ. Hiện tại ở Phù Mỹ có 8 công ty hết hạn giấy phép sẽ không cấp phép lại, yêu cầu san ủi trả lại mặt bằng và trông cây để đảm bảo về môi trường.
Thực tế cho thấy, trong thời gian dài, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý trong việc khai thác, thu mua và xuất khẩu titan dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Mạch nước ngầm bị ảnh hưởng, người dân thì hứng chịu cảnh cát bay, đường sá bị cày nát, rừng phòng hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Lãnh đạo tỉnh sẽ kiên quyết lập lại trật tự trong khai thác, vận chuyển titan, không gia hạn, cấp phép cho doanh nghiệp khai thác titan nếu không có nhà máy và không thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế trong thời gian qua.
“Tới đây chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại việc này. Trong quản lý nhà nước về khai thác chế biến khoáng sản còn rất nhiều bất cập cần phải chấn chỉnh. Hiện nay quan điểm của tỉnh là đối với những công ty không có nhà máy kiểu như An Trường An thì kiên quyết không gia hạn và đến giờ có 17 giấy phép đã hết hạn là kiên quyết không gia hạn” – Ông Dũng khẳng định.
Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Định, tình hình khai thác, chế biến khoáng sản sẽ đi vào nề nếp, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Hải Yến (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết