Xã hội

Lật lại toàn bộ ngành đường sắt Việt Nam: Lộ diện những bất lực trên một cơ thể già nua

Có lẽ chưa bao giờ ngành vận tải đường sắt Việt Nam lại được dư luận mổ xẻ, lật lên lật xuống nhiều như thời điểm này. Lý do là sau khi Nhà nước ra quân siết lại tình trạng xe ôtô chở quá khổ, quá tải trên đường bộ, không ít khách hàng mới lại đôn đáo chạy đến với ngành đường sắt. Lúc này, một cơ thể già nua hơn 100 năm tuổi mới lộ diện vô vàn... "bệnh tật", trì trệ, yếu kém, thậm chí bất lực.

Hiện trạng của ngành đường sắt dường như rất ít thay đổi trong suốt 100 năm qua. Ảnh: Thanh Hải

Đến nỗi người đứng đầu ngành GTVT - Bộ trưởng Đinh La Thăng - đã phải thốt lên: “Hình như trong đầu vẫn nghĩ mình không phải là doanh nghiệp mà là một bộ đường sắt gì đấy” và “đừng nghĩ mình như con voi; bởi con voi xoay xở rất chậm”!

Bài 1: Nhìn từ ga Đà Nẵng: Hàng chục triệu tấn, qua ga chỉ... vài ngàn tấn!

Phó Trưởng ga hàng hoá Đà Nẵng - ông Nguyễn Thuận - cho biết: Đà Nẵng là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất khu vực miền Trung, ngoài các hoạt động thương mại công nghiệp sôi động, đây cũng là đầu mối trung chuyển, vận tải hàng hoá lớn nhất khu vực. Tuy nhiên lâu nay, hàng hoá lưu thông chủ yếu bằng đường bộ. Cũng ông Thuận cho biết, năm 2013, tổng sản lượng hàng hoá qua ga đường sắt tại Đà Nẵng chỉ... vài ngàn tấn, quá thấp so với nhu cầu lưu chuyển hàng chục triệu tấn tại địa phương mỗi năm.

“Chợ một mình”

Theo ông Thuận, hàng hóa chủ yếu là phân bón, ximăng từ miền Bắc vào, lúa gạo, sắn lát, bột... từ các tỉnh phía nam ra. Từ đầu năm 2014 đến nay, do áp lực giảm tải đường bộ, nhiều khách hàng đã tìm đến ngành đường sắt, nhu cầu tăng lên đột biến. Hiện nay, ga Đà Nẵng mới ký hợp đồng vận tải hàng hoá đến 30.6.2014 nhưng đã đạt con số 20.000 tấn, gấp nhiều lần so các năm trước đây. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng, hàng hoá nhiều thì lại bị ách tắc, tồn kho. Nguyên nhân đang thiếu các toa xe hàng. 

Đặc biệt là các toa xe hàng đi các tỉnh phía bắc. Hiện, nhiều toa hàng bị ách tắc trên suốt dọc đường từ miền Trung đến các cửa khẩu đi Trung Quốc. Hạn ngạch hàng xuất khẩu qua Trung Quốc thất thường, việc kiểm soát đột xuất, kéo dài đã gây ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu, dẫn đến hàng kẹt trên toa xe, không thể bốc dỡ, chuyển sang hình thức vận tải khác được. Đây cũng chính là điểm yếu của vận tải hàng hoá bằng đường sắt.

Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT - ông Bùi Thanh Thiện - cho biết, ngành GTVT địa phương hoàn toàn không quản lý gì lĩnh vực đường sắt, kể cả việc vận tải hàng hoá. Mọi hoạt động của đường sắt đều theo ngành dọc, thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam. Mặt khác, lưu chuyển hàng hoá qua ga đường sắt tại địa phương không đáng kể.

Hạn chế khó… tháo gỡ!

Từng nhiều năm làm GĐ chi nhánh vận tải hàng hoá của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Thuận biết rất rõ những hạn chế khó tháo gỡ của ngành đường sắt. Theo thứ tự ưu tiên, tàu chở người bao giờ cũng được nhường đường, vì vậy vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt bị chậm, thụ động. Hành trình tàu khách Bắc - Nam hiện chỉ 30 - 40 giờ, nhưng vận tải hàng hoá lại đến 80 tiếng. 

Về chủ quan, việc quản lý tổ chức, điều phối còn chưa hợp lý, nhất là trong điều kiện hạ tầng đường sắt là đường đơn, 1 chiều như hiện nay. Chỉ cần việc xếp dỡ hàng chậm, không kịp giờ móc nối toa xe ở một khu gian, ga lẻ nào đó, lập tức chuyến hàng đó sẽ bị kéo dài thời gian, làm mất uy tín. Về khách quan là năng lực, hạ tầng kỹ thuật ở các ga, các khu gian không đồng nhất.

Ông Ngô Hoà - chủ DN ôtô vận tải quận Ngũ Hành Sơn - cho biết, đoàn xe tải nặng gần 20 chiếc của ông trong hơn 10 năm hoạt động, chưa từng có đơn hàng nào qua ga đường sắt. Theo ông Hoà, hiện giá vận chuyển đường sắt cao xấp xỉ đường bộ, trong khi đó khách hàng phải tốn kém thêm chi phí trung chuyển từ kho bãi đến và đi từ các ga đường sắt. Ngoài ra, việc vận tải đường sắt còn nhiêu khê về thủ tục, thời gian...

Theo Phó Trưởng ga hàng hoá Đà Nẵng Nguyễn Thuận, để khắc phục những hạn chế, những bất hợp lý của vận tải hàng hoá đường sắt là rất khó. Điều đó phụ thuộc vào cả hệ thống, hạ tầng kỹ thuật trên toàn quốc. Đặc biệt, với Đà Nẵng, trong bối cảnh dự án di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm đã bị “treo” hơn 8 năm nay. 

Mọi kế hoạch đầu tư, xây dựng mới hạ tầng, kho bãi... đều không được cấp phép, thì khó có thể cải thiện được năng lực vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá. Ngay những lô đất mà ngành đã sử dụng lâu nay, bây giờ xin thủ tục cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng bị ách tắc.

GĐ cảng Đà Nẵng - ông Nguyễn Thu - cho biết, sự “vắng mặt” của vận tải hàng hoá bằng đường sắt trong hệ thống vận tải đa phương thức, trong chuỗi logistic hiện nay là quá phi lý. Hiện lượng hàng hoá thông qua cảng Đà Nẵng đã đạt 5 triệu tấn (2013, dự kiến đạt 5,4 triệu tấn 2014). Tuy nhiên phần lớn việc vận tải tiếp nối sau cảng đều là ôtô đường bộ. Gần như không có hàng hoá qua đường sắt. Theo ông Thu, trước đây, khi Pháp xây dựng đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua TP.Đà Nẵng không chỉ có ga ngay tại trung tâm đô thị, mà hệ thống đường sắt, bến cảng dẫn đến tận bến sông Hàn (chợ Hàn bây giờ) và ra tận cảng biển Tiên Sa. Bây giờ, hệ thống hạ tầng tiện ích này đã bị tháo dỡ, khó có thể khôi phục được.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo