Xã hội

Lật thuyền ở Đắk Lắk: Thông tin mới nhất

Liên quan đến vụ lật thuyền trên sông Krông Ana (huyện Krông Bông, Đắk Lắk) khiến 2 người chết, một người mất tích, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích.

Trưa 12/1, ông Cao Văn Thọ - chủ tịch UBND xã Ea Trul, huyện Krông Bông - cho biết nước sông Krông Ana chảy xiết, sự việc xảy ra vào ban đêm nên việc ứng cứu gặp nhiều khó khăn, theo tin tức trên báo Tuổi trẻ.

Hai nạn nhân là chị Nguyễn Thị Định (32 tuổi), Nguyễn Thị Bích (38 tuổi) trú tại buôn Tung 2 (xã Buôn Triết, huyện Lắk) đã được đưa về gia đình an táng. Người mất tích là anh Phan Xuân Quyền (24 tuổi, thôn 2, xã Ea Trul) chưa tìm thấy.

Người dân và lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm anh Phan Xuân Quyền - nạn nhân mất tích sau vụ chìm sà lan trên sông Krông Ana. Ảnh báo Tuổi trẻ.

Anh Trần Tuấn Nhật (thôn 2, xã Ea Trul) - một nạn nhân trên chuyến sà lan may mắn thoát chết kể anh cùng một số người dân khác được chủ thuê khoán đi trồng dây khoai lang tại bãi thuộc xã Hòa Tân (huyện Krông Bông).

Trên đường qua sông trở về nhà thì bất ngờ bị sóng nước đẩy mạnh phía sau khiến sà lan ngả nghiêng, nước ộc vào từ phía trước. Do hoảng loạn, thay vì điều khiển bánh lái thuận dòng nước, người lái lại bẻ hướng ngược lại khiến nước tràn vào ngày càng nhiều hơn. 

“Lúc sà lan chìm, mọi người đều vùng vẫy, la hét kêu cứu nhưng bến sông vắng người nên không ai trợ giúp được gì. Tôi bơi vào bờ cởi áo ấm vứt điện thoại và những đồ vật nặng trên người lao ra kịp cứu được hai người phụ nữ rồi đuối sức. Người biết bơi ai cũng cố gắng cứu những người còn lại, có người may mắn bám được vào bó dây khoai lang trôi giữa dòng nên mới thoát chết” - anh Nhật bàng hoàng kể lại.

Đến cuối giờ chiều 12/1, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân Phan Xuân Quyền (SN 1993, trú thôn 2, xã Ea Trul, huyện Krông Bông) mất tích tích trong vụ chìm đò vào chiều tối 11/1, báo Pháp luật TP. HCM.

Ông Cao Văn Thọ cho biết, khúc sông xảy ra tai nạn rộng khoảng 50-60 m, nối giữa xã Hòa Tân và Ea Trul. Trước đây tại khúc sông này, người dân tự lắp đặt cáp treo đu qua sông để sản xuất và vận chuyển nông sản. Do thấy nguy hiểm, xã Ea Trul đã cấm và cho tháo dỡ cáp treo tự phát này.

 

Vào tháng 6/2015, Công an tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ một phương tiện thủy nội bộ (đò ngang sông) để phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Ngoài ra, đơn vị trao tặng cũng trao kèm 10 áo phao.

Cũng theo ông Thọ, khi con đò được hạ thủy, do không có người vận hành, bảo quản nên xã Ea Trul đã hợp đồng với ông Lê Văn Đấu (SN 1976, trú thôn 2, xã Ea Trul) khai thác, bảo quản. Hợp đồng được ký hai tháng một lần.

Theo chủ tịch UBND xã Ea Trul, xã hợp đồng với ông Đấu nhưng không thu tiền. Quá trình khai thác, ông Đấu có thỏa thuận thu tiền người dân khi qua lại trên con đò này. Số tiền thu chỉ từ một đến vài ngàn đồng/người.

Vào sáng 11/1, ông Đấu giao đò cho ông Trần Văn Học (SN 1977, trú thôn 2, xã Ea Trul)  điều khiển chở 20 người qua sông cùng hàng trăm bó rau khoai lang. Toàn bộ số người này qua sông sang xã Hòa Tân trồng khoai lang thuê cho ông Đấu.

Đến khoảng 17h 15 phút cùng ngày, con đò quay đầu trở về xã Ea Trul chở theo 21 người, tất cả đều không mặc áo phao. Trên đò lúc này vẫn còn rất nhiều bó khoai lang do trồng không hết. Khi đò còn cách bờ khoảng vài chục mét thì bất ngờ bị chìm khiến 21 người rơi xuống sông.

 

Chiều 12/1, ghi nhận tại hiện trường, khúc sông nơi con đò bị chìm, hàng chục người vẫn đang túc trực tìm kiếm người mất tích. Người dân huy động một con đò gỗ, một thuyền bằng tôn lắp máy để tìm kiếm. Người tìm kiếm ngồi trên đò dùng sào chọc xuống lòng sông dò tìm người mất tích.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Tuổi trẻ, Pháp luật TP. HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo