Lấy lý do giải phóng mặt bằng để phá cầu Long Biên là ngụy biện
“Đây là cây cầu gắn liền với một khu đô thị cổ của Hà Nội. Cho nên quan điểm của tôi là không được phá cầu Long Biên. Cái gì còn nguyên trạng, còn giữ được một chút nào thì cố gắng giữ đến cùng, bảo tồn theo đúng nghĩa bảo tồn chứ không nên phá”.
Đây là trăn trở của ông Trần Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam về phương án phá cầu Long Biên để xây dựng cầu đường sắt mới do Bộ Giao thông vận tải vừa đưa ra.
Ông Trần Ngọc Hùng chia sẻ: “Cầu Long Biên là công trình kiến trúc của một tác giả nổi tiếng trên thế giới Guyxtavơ Epphen, đồng tác giả của tháp Epphen. Phải coi công trình kiệt tác đó là công trình di sản văn hóa không chỉ của Việt Nam mà của cả nhân loại.
Người làm nên cây cầu đó là người Việt Nam, bây giờ tìm được người Việt Nam biết ném những viên đinh tán đỏ rực lửa trong lò than lên để làm cầu ngày ấy không thể nào tìm nổi. Theo tôi được biết người cuối cùng trong số những người tham gia xây dựng cầu Long Biên cũng đã mất. Những người từng tán đinh dưới cầu Long Biên năm xưa không người nào còn sống. Có hàng ngàn người Việt Nam đã tham gia xây dựng cây cầu này và hàng chục người đã bỏ mạng tại đây”.
Xét về giá trị lịch sử, ông Hùng cho rằng: “Cây cầu này cũng đã từng chứng kiến bao chiến tích lịch sử khi những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên. Cầu này cũng đã chứng kiến cảnh bom Mỹ bắn phá Hà Nội, và hiện nay dấu tích của những viên đạn vẫn để lại trên cầu.
Đây là cây cầu gắn liền với một khu đô thị cổ của Hà Nội. Cho nên quan điểm của tôi là không được phá cầu Long Biên. Cái gì còn nguyên trạng, còn giữ được một chút nào thì cố gắng giữ đến cùng, bảo tồn theo đúng nghĩa bảo tồn chứ không nên phá. Không nên tăng diện tích giao thông, không cần mở rộng hai bên, cứ để vậy cho người đi bộ và người đi xe đạp đi qua, và sau này cần thiết phải cấm luôn cả xe máy. Cần phải xây dựng một bảo tàng hoặc một khu quản lý quanh khu vực cầu để cho khách tham quan”.
Về vấn đề giải quyết ách tắc giao thông, là lý do được các Bộ, ngành đưa ra để lý giải cho việc phá cầu Long Biên, là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng ông Hùng cho rằng: “Đề giải quyết ách tắc giao thông không có gì khó, có rất nhiều cách giải quyết. Đừng lấy lý do khó khăn do giải phóng mặt bằng để phá cây cầu lịch sử, đó là một ngụy biện.
Và chúng ta nên nhớ rằng, phương án được Thủ tướng Chính phủ duyệt là cầu Độc Lập, là cây cầu đường sắt cách cầu Long Biên 500m. Cho nên đừng có lấy lý do giải phóng mặt bằng để phá cầu.
Hiện nay chúng ta đã có cầu Nhật Tân đang xây dựng, sắp sửa làm cầu Tứ Liên, và chuẩn bị làm đường hầm vượt sông Hồng nên giải quyết vấn đề giao thông không phải là lý do”.
“Còn vấn đề giải phóng mặt bằng không có gì khó. Chúng ta đã có thể bỏ hàng nghìn tỷ để giải phóng đường Đại Cồ Việt – Xã Đàn. Vì vậy, theo tôi kế hoạch phá cầu Long Biên sẽ bị rút lui để bảo vệ một di tích không chỉ là di tích văn hóa mà còn là di tích lịch sử, một danh lam thắng cảnh của Hà Nội”, ông Hùng nói thêm.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo