Xã hội

Lấy phiếu tín nhiệm, cán bộ “hết đường” né tránh, đùn đẩy

Tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho hay, lấy phiếu tín nhiệm là biện pháp đề cao trách nhiệm cán bộ, cá nhân người đứng đầu. Việc này cũng sẽ khắc phục được nhiều vấn đề như trả lời chất vấn còn né tránh, đùn đẩy.

Các cử tri quận Đống Đa - Hà Nội cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy quyết tâm của Đảng, Quốc hội trong việc tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo. Đây là việc làm thiết thực, nhằm thực hiện tốt hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Ông Phạm Cao Vĩnh (cử tri phường Trung Liệt, quận Đống Đa) cho biết, cử tri tiếp tục theo dõi và mong rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ thành công. “Quan trọng là người đi bỏ phiếu phải khách quan, trung thực”, ông Vĩnh nhận định.
 
Theo ông Ngô Hớn (cử tri phường Kim Liên), một đất nước văn mình thì không đợi đến khi bỏ phiếu bãi nhiệm rồi mới nghỉ việc. “Sau nhiều biến cố xảy ra tại sao không thấy ai từ chức? Đã đến lúc cần có sự khởi đầu về văn hóa từ chức. Tôi nghĩ cần phải nhìn nhận việc từ chức hoàn toàn khác với miễn chức và kèm theo đó là kỷ luật thật nặng”, cử tri Ngô Hớn bày tỏ.

Giải đáp băn khoăn của cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu thực hiện từ năm tới là hiện thực hóa chủ trương của Đảng, cụ thể là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Đây là biện pháp đề cao trách nhiệm cán bộ, của cả cấp dưới và cấp trên, của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Ông Nghị cũng tin rằng, với việc thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều vấn đề mà cử tri băn khoăn như trả lời chất vấn còn né tránh, đùn đẩy sẽ được khắc phục.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội những năm tới đây, nếu ai đó sau khi lấy phiếu tín nhiệm cả hai lần đều thấp dưới 50%, chắc sẽ có người tự từ chức. Còn nếu sau hai năm lấy phiếu tín nhiệm mà số phiếu tín nhiệm vẫn thấp thì đương nhiên sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu không từ chức.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo