Chân dung

Lê Hoàng Uyên Vy và thử thách “ghế nóng” ở VinEcom

Lê Hoàng Uyên Vy hiện là quyền tổng giám đốc VinEcom, một dự án nhiều kỳ vọng của tập đoàn Vingroup.

 

Nữ doanh nhân Lê Hoàng Uyên Vy (Ảnh Báo Đầu tư)
Nữ doanh nhân Lê Hoàng Uyên Vy (Ảnh Báo Đầu tư)

Cái tên Lê Hoàng Uyên Vy - quyền tổng giám đốc VinEcom bắt đầu gây chú ý khi lọt vào danh sách 30 gương mặt trẻ nổi bật do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn (tại thời điểm này cô đang giữ vị trí phó tổng giám đốc VinEcom).

Không phải ngẫu nhiên mà cô gái 27 tuổi này được Forbes bình chọn. Cô sở hữu bảng thành tích đáng nể với niềm đam mê kinh doanh khá sớm. Có điều kiện tiếp cận Internet từ sớm, năm 12 tuổi Uyên Vy đã tự học thiết kế web và 1 năm sau tự tin quảng cáo “một nhóm thiết kế web chuyên nghiệp, năng động” để kiếm tiền. Uyên Vy còn nhanh nhạy đầu cơ tên miền bán được 2.100 USD, chuyện hiếm với một cô bé 14 tuổi.

Sau khi tốt nghiệp chuyên Lê Hồng Phong, Uyên Vy học tài chính tại trường kinh doanh McDonough thuộc đại học Georgetown, Mỹ. Đây cũng là thời gian cô tiếp cận với thương mại điện tử. Năm thứ 2 đại học, Uyên Vy nhanh chóng nhìn thấy cơ hội kinh doanh khi các siêu thị giảm giá đồng hồ và có thể kiếm lời khi rao bán lại trên eBay. 2 năm kinh doanh trên eBay đem lại nhiều kinh nghiệm về dịch vụ khách hàng, thương lượng với nhà cung cấp, cũng như thu về gần 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) vốn tích lũy khởi nghiệp sau này.

Sau khi về Việt Nam, năm 2009 Uyên Vy sáng lập nên chuỗi nhà hàng thức ăn đường phố có tên Aiya! Thế giới ăn vặt. Trong hai năm đầu tiên, dự án này mở rộng ra được 4 địa điểm với hơn 80 nhân viên. Đúng thời điểm này, tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) triển khai dự án thương mại điện tử. Vốn là con gái chủ tịch tập đoàn Vinatex, Uyên Vy gia nhập dự án này và đặt tên công ty là Chọn.

Chọn hoạt động từ năm 2011 tập trung vào lĩnh vực thời trang với vốn đầu tư ban đầu 1 triệu USD (khoảng 20 tỷ đồng) trong đó cá nhân cô sở hữu 10%, ngoài ra còn đóng góp vốn từ Vinatexmart, May Nhà Bè, Dệt Hòa Thọ,…

 

Cách làm của Uyên Vy đối với Chọn là hoạt động có giới hạn. Thay vì đàm phán với hàng loạt thương hiệu lớn, cô nghiên cứu từng thương hiệu, tìm hiểu xem họ có bao nhiêu cửa hàng, đang gặp thách thức gì rồi từ đó cung cấp đúng thứ họ thiếu. Ví như giới thiệu những bộ cánh đẹp với chi phí mềm trên website của Chọn cho những thương hiệu chưa có website.

Với cách làm du kích này, dần dần các thương hiệu lớn như Levi’s, Nine west, Axara, DKNY lần lượt xuất hiện trên Chọn giai đoạn 2011-2012. Chuyên gia Dung Tấn Trung đánh giá, ý tưởng của Vy khá hay trong việc đưa Chọn thành một công ty thương mại điện tử có tên tuổi về nhóm sản phẩm thời trang.

Mới đây Vinatex cũng công bố lý do tại sao bán chuỗi siêu thị Vinatexmart cho Vingroup vào hồi đầu tháng 4.

Theo TGĐ Vinatex, hệ thống siêu thị này tăng trưởng tốt về chiều rộng nhưng quy hoạch địa điểm chưa tốt gây ra sự lệch pha giữa địa điểm phân phối và hàng phân phối.

Vinatex nhận thấy hệ thống này phù hợp với lĩnh vực kinh doanh hàng tổng hợp tại Vinmart. Ngoài ra, Vinatex cũng cho biết những địa điểm của Vinatexmart là đi thuê chứ không phải tài sản của tập đoàn này.

 

Cuối năm 2014 được xem là bước ngoặt của Chọn khi được VinGroup rót vốn đầu tư. Trước đây mình là ‘nhà nghèo’, bây giờ là ‘nhà có điều kiện’, Uyên Vy miêu tả về cơ hội lớn đến với Chọn. Theo Forbes, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu kép của dự án này trong 3 năm gần đây đạt mức 600%. Cú hích đến từ VinGroup phần nào giúp Chọn có điều kiện "đối đầu" với gã khổng lồ Zalora đặt chân vào Việt Nam từ năm 2012.

Ngoài việc kinh doanh Uyên Vy còn tham gia những hoạt động cộng đồng như chủ tịch Unicef Next Generation, sáng lập mạng lưới Tmspeed Network, Vttragey.com.

Hiện VinEcom có hơn 2.500 nhân viên từ tiếp thị đến nội dung, hậu cần.

Với kỳ vọng cao đến từ chủ tịch VinGroup, việc đưa VinEcom thành công là thử thách vô cùng lớn với Uyên Vy và điều mà đông đảo giới kinh doanh đang hồi hộp theo dõi.

(Theo Trí thức trẻ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo