Thị trường

Lệ thuộc xuất khẩu tiểu ngạch, tôm hùm bị ép giá

Giá bán thủy sản cao hay thấp, sức tiêu thụ mạnh hay yếu, lâu nay luôn ở ngoài khả năng chi phối của ngư dân. Khó khăn này càng lộ rõ khi đầu ra của loại hàng tươi sống này chủ yếu thông qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch.

(vtv) Giá thấp nhất và giá cao nhất trong thu mua tôm hùm chênh lệch rất lớn trong cùng một thời điểm. Nếu là tôm loại 1 có thể bán được 1,5 triệu đồng/kg nhưng nếu loại 2, chỉ là 1,2 triệu và nếu là loại 3 chỉ còn 800.000 đồng/kg.

Mất đến 18 tháng nuôi, ngư dân mới xuất bán tôm hùm thương phẩm. Biết là cách mua của thương lái không thỏa đáng, nhưng nếu không bán thế thì cũng chẳng biết bán cho ai.

Sau khi tôm hùm được bán cho những người chuyên mua tôm sẽ được chuyển về các vựa và từ các vựa này, tôm hùm xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Từ giá cả đến cách thức mua bán đều lệ thuộc vào những đầu mối xuất khẩu tiểu ngạch. Nhưng nông dân chưa bao giờ biết đầu mối đó cụ thể là ai.

Bà Lê Thị Đáng, người mua tôm hùm ở tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Mình không quyết định được giá. Ví dụ như tôm hùm phía Trung Quốc đang cần hàng mạnh thì giá lên, còn có khi cả bè chỉ thu mua vài tạ”.

Hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa có trên 60.000 lồng tôm hùm đứng đầu cả nước. Năm nay khu vực này, người nuôi tôm đã gặp thất bại do tình trạng tôm chết xảy ra khá phổ biến.

Lo lắng trong những nông dân này càng gia tăng khi thị trường không ổn định. Giá tôm hùm thay đổi liên tục. Sự liên tục thay đổi về giá có liên quan đến một thực tế là 90% sản lượng tập trung vào thị trường Trung Quốc qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch.

Đặc thù đối với những loại thủy sản như tôm hùm là xuất bán theo dạng tươi sống, nghĩa là không thể hướng đến những thị trường xuất khẩu có khoảng cách địa lý quá xa. Trong khi đó, mức tiêu thụ tại thị trường trong nước lại không đáng kể. Chính điều này đã khiến cho tình trạng chèn ép giá thu mua tôm hùm xuất khẩu đã kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Rủi ro từ phía các thị trường xuất khẩu thủy sản qua đường tiểu ngạch đã được cảnh báo từ lâu. nhưng về phía vùng nuôi trồng thủy sản thì hầu như không có được giải pháp nào.

Ông Trương Thái Hùng, Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôm hùm chủ yếu bán sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên vấn đề không ổn định về giá cả, chuyện ép giá xảy ra rất gay gắt”.

Trước mắt, sau khi nhận ra tình trạng mất ổn định ở thị trường thủy sản xuất khẩu tiểu ngạch, nhiều nông dân đã tính đến thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển sang các đối tượng khác bớt rủi ro hơn.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển này vẫn chủ yếu mang tính chủ quan từ phía nông dân. Bản thân nông dân không có được những căn cứ xác đáng. Bởi thế, một thực tế cứ lặp đi lặp lại là năm nào vùng nuôi tôm hùm sụt giảm sản lượng, giá có thể tăng cao. Khi thấy giá tăng, nông dân tìm cách tăng sản lượng và con đường xuất khẩu tiểu ngạch bị ứ đọng tái diễn chuyện rớt giá.

 

 

Tấn Quýnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo