Lệnh cấm nhập tôm của Úc gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt
Bộ trưởng Nông nghiệp của Úc, ông Barnaby Joyce đã tuyên bố cấm nhập khẩu tôm trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 do dịch đốm trắng bùng phát ở Bang Queensland.
Trả lời Đài ABC (Úc) quan điểm của Việt Nam về lệnh cấm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam chia sẻ quan ngại của Chính phủ và người dân Úc về sự bùng phát dịch bệnh đốm trắng tại các trang trại nuôi tôm của Úc. Theo hướng đó, vì sự an toàn của ngành nuôi tôm của Úc, chúng tôi ủng hộ việc Chính phủ Úc áp dụng các biện pháp khống chế ổ dịch, ngăn chặn sự phát tán, lây lan, cũng như giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng vào nước Úc từ bên ngoài.
"Chúng tôi ủng hộ việc Chính phủ Úc áp dụng các biện pháp khống chế ổ dịch, ngăn chặn sự phát tán, lây lan, cũng như giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng vào nước Úc từ bên ngoài", Thứ trưởng Khánh nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc Chính phủ Úc ban hành Lệnh tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín mà không có thời gian cảnh báo đủ để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam biết và có các giải pháp nhằm tránh tổn thất lớn về kinh tế là việc làm mà theo chúng tôi là chưa thực sự phù hợp với thông lệ chung và với tinh thần gìn giữ, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp giữa Việt Nam và Úc.
Theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Úc đều có công nghệ sản xuất, chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP, Global Gap. Sản phẩm tôm của Việt Nam cũng đã được phép nhập khẩu vào nhiều thị trường có tiêu chuẩn cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, tôm chế biến (nhưng chưa được nấu chín) của Việt Nam xuất khẩu sang Úc cũng đã được cơ quan AQIS và Cơ quan An toàn Sinh học Úc cấp giấy phép cho từng nhà xuất khẩu. Với các yếu tố này, kết hợp với việc chúng tôi sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp theo yêu cầu của Chính phủ Úc nhằm tăng cường quản lý, bảo đảm tôm, sản phẩm tôm chưa qua nấu chín xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc là an toàn về dịch bệnh, việc áp dụng Lệnh tạm dừng nhập khẩu sẽ là không cần thiết.
"Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ việc Chính phủ Úc ban hành Lệnh tạm dừng nhập khẩu nhưng khi và chỉ khi các biện pháp khác, ít tác động tiêu cực hơn tới thương mại, đã tỏ ra là không có tác dụng", ông Khánh nói.
Thứ trưởng Khánh cho biết, lệnh tạm dừng nhập khẩu của Chính phủ Úc đã và đang gây ra thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
"Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã có thư gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Úc để đề nghị xem xét lại Lệnh này. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi bỏ qua sự an toàn của ngành nuôi tôm tại Úc. Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Úc để kiểm soát chặt chẽ hơn các lô hàng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Úc, tức là, chúng tôi kêu gọi hai bên cùng áp dụng các biện pháp ít tác động tiêu cực tới thương mại hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho ngành nuôi tôm của Úc và môi trường nước Úc", lãnh đạo Bộ Công Thương nói.
Nói về ảnh hưởng của lệnh cấm đối với người nuôi tôm và doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Úc, ông Khánh cho biết, lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Úc chưa phải là quá lớn nhưng với nông dân Việt Nam, những người có thu nhập rất thấp, Lệnh cấm đã có tác động không nhỏ tới thu nhập của họ, nhất là các hộ ở những vùng chuyên sản xuất tôm để xuất khẩu đi Úc (các lô tôm đã tẩm ướp theo yêu cầu của thị trường Úc thì không thể tiêu thụ ở thị trường khác, đồng thời khó tiêu thụ nội địa). Về lâu dài, Lệnh cấm này còn có khả năng ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam trên các thị trường khác, từ đó gây thiệt hại lớn hơn nhiều cho người nuôi tôm và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện có 08 doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu tôm chưa qua nấu chín sang Úc. Năm 2015, Úc nhập khẩu trên 41 triệu USD tôm chưa nấu chín từ Việt Nam. Con số này có thể là nhỏ so với một nước phát triển nhưng với một nước đang phát triển như Việt Nam, con số này tương đương với thu nhập trong 1 năm của hàng ngàn hộ nông dân. Một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Úc còn đối mặt với nguy cơ phá sản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
PGBank mở chi nhánh mới tại Nghệ An
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam