Lì xì ngày Tết như thế nào để không phản cảm?
Lì xì (mừng tuổi) ngày đầu năm vốn được coi là nét văn hóa đặc sắc, dù ngày nay, việc đón Tết đã có ít nhiều thay đổi, nhưng nét đẹp ngày xuân này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.
Tục mừng tuổi đầu năm đã được lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Dù xưa hay nay, việc mong mỏi được nhận chiếc bao lì xì trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi, nhất là đối với những đứa trẻ.
Theo phong tục cứ vào mỗi sáng mùng 1, sau khi thức dậy và diện những bộ quần áo đẹp, người lớn và trẻ nhỏ lần lượt chúc tết, chúc thọ và biếu lì xì cho ông bà, bố mẹ. Sau đó, người lớn sẽ tặng cho những đứa trẻ những chiếc bao lì xì đựng tiền cùng với lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm.
Không chỉ vậy, lì xì còn được mang tặng cho họ hàng, láng giềng và những người quen biết thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc.
Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.
Việc mừng tuổi không chỉ gói gọn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài cho tới mùng 10, thậm chí hiện nay, việc lì xì có thể kéo sang hết cả tháng Giêng.
Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm. Nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.
Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Dù ngày nay, cách đón Tết của chúng ta đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục lì xì vẫn được duy trì như là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Tuy nhiên, để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, người lớn nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì khi cho trẻ, đồng thời dạy cho trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì.
Thậm chí, ngày nay, đôi khi, lì xì lại mang những sắc thái tiêu cực, phản giáo dục. Vậy, phải lì xì như nào để vẫn đảm bảo nét đẹp phong tục mà không bị ảnh hưởng tới con trẻ?
Nói về vấn đề này trên TTXVN, PGS Văn Như Cương chia sẻ: Lì xì là một phong tục rất ý nghĩa. Đó là một món quà bé mừng tuổi cho trẻ em vui. Xưa, các em cũng chẳng quan tâm tới số tiền trong gói phong bao đỏ. Các em chỉ cảm thấy vui vì được quan tâm, và được tặng quà.
"Tuy nhiên, hiện nay, lì xì bị vật chất hóa thảm hại. Tôi đã từng chứng kiến cảnh trẻ em cứ có khách đến là cố chạy ra để "vòi" lì xì. Sau đó, đôi lúc, các em lôi tiền lì xì ra ngay trước mặt khách xem được bao nhiêu. Thậm chí, có em còn thể hiện thái độ ngay với số tiền lì xì"- PGS. Văn Như Cương chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, Phó viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục, lì xì tiếng Hán còn được hiểu là lợi thị. Ý nghĩa của lì xì thể hiện sự khuyến khích làm ăn phát đạt bằng món quà nhỏ. Trong dịp đầu năm mới, việc tặng các món quà cho trẻ em phổ quát ở nhiều tộc người trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, lì xì đang bị so đo độ "nặng nhẹ" qua mệnh giá đồng tiền bên trong.
Đồng tình với quan điểm của TS Vịnh, PGS Văn Như Cương cho hay: Sở dĩ trẻ em cảm thấy coi trọng tiền trong phong bao lì xì như hiện nay là bởi hai lý do. Thứ nhất, nhiều em đã giành quyền sở hữu số tiền mừng tuổi mà không cần sự định hướng chi tiêu của bố mẹ. Thứ hai, nhiều người lớn đã đưa con trẻ vào cuộc chơi quan hệ của mình khi dùng trẻ em như một "trạm" chuyển tiền tới phụ huynh.
Theo PGS Văn Như Cương, điều này rất phản giáo dục. Bởi, trẻ em đã bị mất sự trong sáng của mình bởi những toan tính của người lớn. Nó cũng giải thích cho hàng loạt những hiện tượng đáng buồn vừa nêu về thái độ của trẻ em với lì xì ngày nay.
"Những nguyên nhân đó cũng chính là giải pháp. Đừng bắt trẻ em phải tham gia vào chuỗi dịch chuyển dòng tiền trong quan hệ của người lớn! Hãy mừng tuổi các em với số tiền mệnh giá nhỏ. Bố mẹ hãy tham gia định hướng chi tiêu các khoản tiền lì xì cho con em thay vì để trẻ em tự tiêu"- TS Vịnh cho hay.
PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ kinh nghiệm bằng câu chuyện lì xì của trường THPT Lương Thế Vinh: Ở trường tôi, trong ngày đầu đi học của năm học mới, các em học sinh lớp 12 được các thầy cô tặng các phong bao lì xì với những lời chúc may mắn trong kì thi tới. Số tiền thường có mệnh giá rất nhỏ. Các em không tiêu được vào việc gì nên không bao giờ so đo. Các em chỉ hiểu đấy là sự động viên, khích lệ của thầy cô trong năm thi cử quan trọng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo