Xã hội

Liên danh Cienco4-Hanshin khởi công xây nút giao Trung Hòa-Vành đai 3

Liên danh nhà thầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 – CTCP (Cienco4) và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng HANSHIN vừa tổ chức Lễ động thổ Gói thầu số 4: xây dựng nút giao Trung Hòa thuộc tiểu dự án xây dựng hoàn thành nút giao Trung Hòa, dự án xây dựng đường Vành đai 3 Hà Nội – Giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch – Bắc hồ Linh Đàm.

Các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng nút giao Trung Hòa-Đại lộ Thăng Long.

Cách đây hơn 2 năm dự án xây dựng đường Vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 - đoạn từ Mai Dịch đến Bắc hồ Linh Đàm - đã được khánh thành, đây là tuyến cao tốc trên cao đầu tiên của thủ đô Hà Nội, từ khi được đưa vào khai thác sử dụng đến nay đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng cao giữa trung tâm Thành phố với các vùng lân cận và sân bay quốc tế Nội Bài.

Từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng đường Vành đai 3 và dự án xây dựng cầu Thanh Trì, Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long đã cho phép triển khai các dự án thi công hoàn thiện các nút giao dọc tuyến, trong đó hầm chui Thanh Xuân và nút giao QL5 đã được triển khai thực hiện. Dự kiến công trình hầm chui Thanh Xuân sẽ đảm bảo hoàn trả mặt bằng trước Tết Nguyên Đán, kịp thời phục vụ nhân dân đi lại; và nút giao QL5 sẽ hoàn thành vào ngày 26/12/2015, vượt tiến độ 6 tháng.

Tiếp nối những thành công đó, Tổng công ty XDCTGT 4 cùng với Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng HANSHIN được Bộ GTVT, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục tin tưởng trao hợp đồng thi công Gói thầu số 4: xây dựng hoàn thành nút giao Trung Hòa thuộc tiểu dự án xây dựng hoàn thành nút giao Trung Hòa. Đây là dự án được tổ chức thi công giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, là công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, tiến độ gấp rút, vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông trên trục đường huyết mạch của Thành phố.

 

Đến dự và phát lệnh động thổ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã biểu dương Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 là đơn vị đi đầu trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay, Cienco4 đã tích cực triển khai đồng bộ các công trình, liên danh liên kết với các đối tác nước ngoài có uy tín đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, luôn phấn đấu hoàn thành công trình vượt tiến độ thời gian.

Theo ông Vũ Xuân Hòa - Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long: Kinh phí mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh nút giao Trung Hòa lấy từ nguồn vốn dư còn lại của Dự án xây dựng giai đoạn 2 - đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội đoạn Mai Dịch-Bắc Hồ Linh Đàm (với khoản vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam). Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là 698,570 tỷ đồng.

Nút giao Trung Hòa nằm tại điểm đầu Đại lộ Thăng Long, là nút giao cắt giữa đường vành đai 3 với Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Phạm vi dự án theo hướng Đại lộ Thăng Long-đường Trần Duy Hưng từ km3+382,03 đến km 1+328,15 (ngã tư Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám) theo lý trình Đại lộ Thăng Long. Theo hướng đường Phạm Hùng-Khuất Duy Tiến từ km 22+905,380 đến km 23+634,16 (vị trí kết thúc đường nhánh dẫn lên xuống cầu cạn), theo lý trình đường vành đai 3.

Quy mô dự án bao gồm xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Mỗi hầm có 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m/làn. Chiều dài phần hầm kín, hầm hở và đường dẫn vào hầm khoảng 691,8m (trong đó hầm kín dài 120m, hầm hở dài 488m, đường dẫn vào hầm dài 83,8m). Kết cấu móng hầm được sử dụng bao gồm: kết cấu móng cọc khoan nhồi, kết cấu móng cọc bê tông cốt thép, kết cấu móng nông được gia cố nền bằng cọc đất gia cố xi măng thi công theo công nghệ khoan phụt cao áp.

Theo đánh giá, đây là đầu mối giao thông quan trọng nhất của Đại lộ Thăng Long nối với đường vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng, nút giao có tính chất kết nối giữa Trung tâm thủ đô Hà Nội với khu vực phía Tây của thành phố và qua các nút giao có các dòng xe từ các tuyến giao thông trục chính phía Đông Bắc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn đi qua đường Vành đai 3 lên khu công nghệ cao Hòa Lạc, đi Hòa Bình và ngược lại.

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo