Pháp luật

Liên doanh để... bán đất sản xuất của dân

Theo hợp đồng liên doanh, Công ty CP Tân Phương (huyện Buôn Đôn) đầu tư trồng cao su trên đất của dân, khi có sản phẩm người dân góp đất được hưởng 20%. Nhưng công ty này đã bán đất để trục lợi, khiến những hộ dân góp đất có nguy cơ trắng tay.

Từ hợp đồng liên doanh...

Năm 2003, UBND tỉnh Đắc Lắc có quyết định giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn theo Quyết định 132/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2008, Doanh nghiệp tư nhân Năm Hường (nay là Công ty CP Tân Phương) đã ký hợp đồng liên kết với 231 hộ có đất, diện tích 240ha để trồng cao su và rừng nguyên liệu tại các tiểu khu 478 và 481.

Theo các hợp đồng này, khi khai thác mủ cao su, người dân góp đất được hưởng 20% sản phẩm/năm. Sau khi kết thúc hợp đồng, Công ty Tân Phương sẽ “trả lại đất liên kết như hiện trạng ban đầu” cho người dân. Quá trình thực hiện hợp đồng liên kết, đến nay đã có 172ha cao su được trồng trong khu vực dự án, song những người dân tộc thiểu số góp đất vào Công ty CP Tân Phương đang có nguy cơ trắng tay.

Bà H’Bhéc BYă - buôn Trí B - cho biết: “Chỗ đất Nhà nước cấp cho, trước đây mình trồng lúa và bắp, mỗi năm cũng thu được cả chục triệu đồng. Từ khi ký hợp đồng với Công ty Tân Phương, mình không biết ai trồng cao su trên đất của mình nữa. Người trồng cao su nói đất này họ mua của Công ty Tân Phương rồi, không có liên quan gì tới mình hết”.

Cũng vì thiếu vốn đầu tư, chị H’Phiên BYă - cùng buôn với bà H’Bhéc - góp 1ha đất vào Công ty Tân Phương. Bây giờ H’Phiên không biết ai là chủ vườn cao su 5 năm tuổi trên đất của mình, lần nào chị đến khu vực này cũng đều bị xua đuổi. Như vậy, sau khi được Nhà nước cấp đất sản xuất, hầu hết các hộ thụ hưởng chương trình 132 ở xã Krông Na vẫn hoàn... thiếu đất. Còn 20% lợi nhuận trên đất như cam kết của Công ty Tân Phương thì không còn hy vọng.

 

...đến hợp đồng bán đất

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ những người dân góp đất bị “hất cẳng” là do Công ty Tân Phương không đầu tư vốn trồng cao su, mà bán đất liên doanh cho những cá nhân khác để thu lợi. Trong đó Công ty Tân Phương giao cho ông Nguyễn Văn Ảnh 200ha, ông Ảnh bán lại toàn bộ cho các ông Thiều Hải Nhân, Vũ Bá Nhượng và Phạm Xuân Thiệu. Tương tự, công ty giao cho ông Nguyễn Văn Hường 83ha, ông Hường bán lại cho ông Thiện 20ha, trồng cao su được 10ha...

 


 

Bị Công ty Tân Phương bán đất, người dân chỉ còn lại những bản hợp đồng liên doanh.

Do bị mua đi bán lại nhiều lần, Công ty CP Tân Phương không kiểm soát được việc trồng cao su trên đất liên doanh. Đến nay, trên diện tích 172ha cao su có tới 21 ông chủ đến từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang, TP.Hồ Chí Minh... Những người này đã bỏ tiền ra mua đất, đầu tư trồng cao su nên không có nghĩa vụ gì với hơn 200 hộ dân là chủ đất liên doanh.

Ông Trần Văn Nhượng - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn - cho biết, Công ty CP Tân Phương ký hợp đồng với dân và trồng cao su trên đất 132 khi chưa lập đề án, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt là sai. Việc công ty sang nhượng đất cho các hộ dân ngoài tỉnh với danh nghĩa là cổ đông góp vốn cũng không đúng pháp luật. Do vậy UBND huyện đã đề nghị thường trực huyện ủy thống nhất thu hồi chủ trương liên doanh giữa Công ty Tân Phương với các hộ dân có đất 132 và chỉ đạo Công an huyện tiếp tục điều tra, làm rõ các sai phạm của công ty này để xử lý theo quy định của pháp luật.

T.N (Theo Lao Động)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo