Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Cần làm rõ khuất tất trong quản lý, đề bạt cán bộ
Nhiều dấu hiệu sai phạm
Theo một số tài liệu, ông Thịnh vốn là nhân viên Cty phân đạm Hà Bắc và được kết nạp Đảng, nhưng đến năm 1997 ông Thịnh bị khai trừ do vi phạm. Đến năm 1998, ông Thịnh chuyển về làm việc ở Vinagimex thuộc Liên minh HTX Việt Nam chuyên về xuất khẩu lao động.
Ngày 26/02/2004, ông Thịnh được kết nạp Đảng. Sau đó, ông Thịnh thăng tiến rất nhanh, được bổ nhiệm Giám đốc Cty Vinagimex và sau hơn ba năm ông này được đề bạt làm Trưởng ban Chính sách và Pháp luật, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy; đến năm 2013 được đề bạt làm Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.
Tuy nhiên, đơn thư cho rằng quá trình đề bạt ông Thịnh vào các chức vụ quan trọng của Liên minh HTX Việt Nam có nhiều dấu hiệu khuất tất khi ông Thịnh khai lý lịch không đúng, dấu việc kỷ luật bị khai trừ khỏi Đảng.
Sau khi một số cơ quan chức năng vào cuộc, ông Thịnh khẳng định không khai man lý lịch, không dấu diếm tổ chức Đảng về thân nhân và hình thức kỷ luật. Nhưng đơn thư tố cáo cho rằng ông Thịnh không chỉ khai man lý lịch mà còn không trung thực bởi tại lý lịch tự thuật của mình, ông Thịnh khai ngày kết nạp Đảng là 26/2/2004 tại chi bộ Cty Vinagimex. Điều này thể hiện ông Thịnh được kết nạp Đảng lần đầu, trong khi ông từng bị khai trừ Đảng và theo quy định của Đảng thì ông Thịnh phải khai là kết nạp lần 2.
Bên cạnh đó, việc khai lý lịch có thể thiếu sót nhưng ông Thịnh đã không trung thực trong việc nhìn nhận khuyết điểm của mình khi vẫn cho rằng không khai man lý lịch, không dấu diếm tổ chức Đảng về thân nhân và hình thức kỷ luật đã nhận trước đây.
Cũng theo đơn thư, sau khi lên chức Giám đốc Vinagimex, tháng 7/2013, ông Thịnh được bổ nhiệm chức Phó Chủ tịch Liên minh HTX nhưng vẫn đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Vinagimex. Tháng 1/6/2014, ông Thịnh mới thông báo bàn giao chức danh Chủ tịch HĐQT cho ông Nguyễn Đoàn Quang.
Theo tài liệu từ cơ quan Thuế, năm 2007 – 2008 Vinamgimex nợ tiền thuế hàng trăm triệu đồng; đến nay số nợ thuế còn tồn lưu của Vinagimex là 980,4 triệu đồng. Chưa hết, đến tháng 7/2014, Vinagimex vẫn nợ Bảo hiểm xã hội 423,9 triệu đồng. Mặc dù “thành tích” là vậy nhưng không hiểu sao giai đoạn 2007- 2009, Vinamgimex vẫn được nhận bằng khen của Thủ tướng? Từ 2008 đến 7/2014, quỹ công đoàn của Vinagimex với số tiền khoảng 172 triệu (trích từ lương của người lao động) cũng bị ông Thịnh quản lý dù Công đoàn Vinagimex nhiều lần đề nghị chuyển về cho họ quản lý nhưng không được chấp thuận.
Được bao che?
Ngay từ năm 2013, khi Đảng đoàn Liên minh HTX Việt Nam tiến hành các bước đề bạt ông Thịnh đã có nhiều dư luận phản ánh sự không rõ ràng về lý lịch của ông Thịnh; nhiều đơn gửi đến lãnh đạo liên minh và các cơ quan cấp trên, nhưng không hiểu sao lãnh đạo và Đảng đoàn Liên minh không những không xem xét, kiểm tra mà vẫn làm các thủ tục để đề bạt ông Thịnh làm Phó Chủ tịch và bổ sung vào Ủy viên Đảng đoàn Liên minh HTX Việt Nam.
Trong giải trình gửi Ban Tổ chức TƯ, Đảng đoàn Liên minh HTX báo cáo ông Thịnh đã từng bị khai trừ Đảng; ông Thịnh đã được xét kết nạp lại vào Đảng ngày 26/02/2004, chính thức ngày 26/02/2005. Việc bị kỷ luật khai trừ Đảng ông Thịnh có khai trong hồ sơ kết nạp Đảng.
Với giải trình này, có ý kiến cho rằng ông Thịnh đã được bao che bởi tại Điều 4 của Điều lệ Đảng và Quy định số 14/QĐ-TƯ ngày 16/11/2001 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ “những Đảng viên được kết nạp lại không phải trải qua thời gian dự bị”.
Nhưng Liên minh HTX Việt Nam lại báo cáo ông Thịnh kết nạp lại vào Đảng ngày 26/02/2004, chính thức ngày 26/02/2005, có nghĩa là ông Thịnh phải dự bị 1 năm – như trường hợp kết nạp lần đầu?
Trên đây là những nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến Nguyễn Văn Thịnh, đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra, làm rõ để tránh dư luận không hay về công tác nhân sự tại Liên minh HTX Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo