Quốc tế

Liên minh Mỹ - Nhật sẽ đứt gánh?

Trong một tuyên bố chung hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, việc thuyên chuyển Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ giúp tháo gỡ các vấn đề hóc búa liên quan đến việc di dời căn cứ quân sự Futenma, ở Okinawa.

 Theo tuyên bố này, trong tổng số 8.000 thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng tại Okinawa, 4700 binh sĩ sẽ được chuyển đến căn cứ quân sự ở đảo Guam và số còn lại sẽ được điều động luân phiên tới các căn cứ quân sự nước ngoài khác tại Thái Bình Dương của Mỹ như Hawaii.

Tuyên bố này đang được mang ra “mổ xẻ” sôi nổi tại Nhật Bản.

 

Một loạt các cơ quan truyền thông của "xứ sở mặt trời mọc" cho rằng kế hoạch chuyển quân là do sự chậm chễ trong việc xây dựng căn cứ không quân mới ở Nago và do thái độ thù địch của các cư dân địa phương khiến Lầu Năm góc hết kiên nhẫn để tiếp tục "bám trụ" Okinawa. Do đó, có hàng loạt chỉ trích gay gắt nổi lên nhắm vào Chính phủ đương nhiệm, được dẫn dắt bởi đảng Dân Chủ cáo buộc các vấn đề liên quan đến kế hoạch di dời đang được giải quyết không thỏa đáng.

Tuy nhiên, trên thực tế, thế bế tắc hiện nay của liên minh Mỹ - Nhật dường như lại có gốc rễ từ chiến lược dài hạn của Tokyo.

Bắt đầu chiến tranh Lạnh (1945-1989), Mỹ nhận thấy Nhật Bản là quốc gia tiên phong trong cuộc đối đầu chống lại các nước khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô lãnh đạo. Do đó, Nhật Bản là một đối tác quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Sự hiện diện quân sự của Mỹ kết hợp với các chính sách ưu tiên mà Mỹ đành cho Nhật Bản rõ ràng đóng vai trò quyết định trong quá trình khôi phục nền kinh tế nước này trong suốt giai đoạn Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và cả về sau này nữa.

Sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản không chỉ hỗ trợ các khu vực kinh tế địa phương mà còn giúp củng cố, thắt chặt quan hệ giữa Mỹ và đảng Dân chủ Tự do (LDP), lực lượng  thống trị chính trường Nhật Bản sau Thế chiến II.

Chưa dừng lại ở đó, chuyển giao công nghệ từ Mỹ và việc Mỹ mở rộng cửa chào đón các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất đồng thời cam kết cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho Tokyo đã giúp khôi phục, đẩy mạnh tăng trưởng cho nền kinh tế Nhật, mang lại danh hiệu là nền kinh tế thứ 2 của thế giới cho nước này. Mãi đến năm 2011, danh hiệu này mới bị “người khổng lồ ngủ say thức giấc” Trung Quốc giành mất.

Trong những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh có dấu hiệu lắng xuống, Mỹ bắt đầu lên kế hoạch giảm dần sự hiện diện của các căn cứ quân sự của họ ở nước ngoài, bao gồm cả các căn cứ quân sự ở Nhật Bản.

Trong số đó, căn cứ không quân Futenma ở Okinawa là một trong những căn cứ nổi lên nhiều vấn đề nhất, bao gồm ô nhiễm tiếng ồn, tai nạn giao thông và thậm chí bị cáo buộc dính líu đến một số cái chết đáng ngờ của dân thường ở đây. Do đó,  Futenma đứng đầu danh sách các căn cứ quân sự chuẩn bị đóng cửa.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các chính trị gia Nhật Bản, đặc biệt là các quan chức Bộ Ngoại giao và Nghị sĩ đảng LDP, vẫn sa lầy vào chính sách thời Chiến tranh Lạnh luôn tìm cách tăng cường hơn nữa liên minh với Washington. Do đó, họ không muốn căn cứ Futenma bị "bỏ hoang”. Để giữ chân quân đội Mỹ ở lại Nhật Bản, Chính phủ nước này thậm chí, còn vui vẻ đồng ý chi trả một phần chi phí cho việc duy trì hoạt động của Futenma. Đến những năm 1990, theo nhiều báo cáo, chi phí cho hoạt động này tăng gấp ba lần so với những năm 1980. Do đó, Futenma vẫn tiếp tục được duy trì.

Trong khi đó, bước vào thế kỷ 21, nhờ những cải tiến vượt bậc trong công nghệ, khả năng phản ứng nhanh và khả năng tấn công từ xa của quân đội Mỹ đã được cải thiện đáng kể. Do đó, Mỹ càng không mấy mặn mà với những căn cứ quân sự xa xôi, hẻo lánh, luôn đòi hỏi những khoản chi phí kếch xù để duy trì hoạt động nhưng lại bị người dân địa phương “hắt hủi”, căm ghét.

Kết quả là, Mỹ quyết định nâng cấp và mở rộng căn cứ quân sự đảo Guam, thuyên chuyển lực lượng thủy quân lục chiến đang đóng tại Okianawa tới đây.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ như Tổng thống George W. Bush và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld rất hoan nghênh cho chiến lược này. 

Ngoài ra, bị tác động bởi một số nhóm lợi ích khác nhau, việc rút khỏi căn cứ quân sự ở Okinawa rõ ràng là một xu hướng không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, vẫn cố chấp như mọi khi, Chính phủ Nhật Bản tỏ ra không muốn thiếu vắng sự hiện diện của Mỹ tại Okinawa. 

Trong giai đoạn Mỹ triển khai mạnh mẽ "cuộc chiến chống khủng bố" sau sự kiện 11/9, Tokyo dự đoán kỷ nguyên sắp tới sẽ là kỷ nguyên Washington đơn phương nắm quyền bá chủ thế giới. Do đó, họ cố gắng làm chậm tốc độ chuyển quân của Mỹ với mục đích duy trì vị trí nhất định trong liên minh với Mỹ.

Thậm chí, cẩn trọng và nhìn xa hơn, năm 2002, Chính phủ Nhật Bản thông qua kế hoạch xây dựng một căn cứ không quân mới ở Nago thay thế cho căn cứ Futenma. Kế hoạch này được loan báo là nhằm giảm các gánh nặng và phiền hà cho người dân địa phương, tuy nhiên, thực tế, đó chỉ là một cái cớ. Mục địch thật sự đằng sau việc xây dựng căn cứ không quân ở Nago là nhằm “tặng” cho quân đội Mỹ một căn cứ quân sự hiện đại, thuận tiện hơn.

Không dừng lại ở đó, Chính phủ Nhật Bản thậm chí còn đề nghị sẽ chịu hơn một nửa chi phí để duy trì hoạt động cho căn cứ quân sự mới. Năm 2005 và 2006, Tokyo và Washington đạt được thỏa thuận Mỹ sẽ chuyển quân đến đảo Guam sau khi căn cứ quân sự mới hoàn thành đồng thời Mỹ sẽ vẫn duy trì số lượng binh sĩ nhất định đồn trú tại Okinawa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cường quốc số 1 thế giới bắt đầu lâm vào cảnh “túng quẫn”  bởi suy thoái kinh tế. Do đó, Washinton buộc phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và chi phí quân sự, vì thế, cũng bị cắt giảm không thương tiếc.

Bên cạnh chi phí dành cho quân đội đồn trú ở nước ngoài, kể từ 2011, kế hoạch chuyển quân đến đảo Guam của Lầu Năm Góc cũng bắt đầu phải đối mặt với các phiên chất vấn tại Quốc hội và ngân sách dành cho nó đến nay bị đóng băng.

Do đó, để tiết kiệm một phần ngân sách. Quân đội Mỹ muốn chuyển quân trước khi căn cứ mới hoàn tất và số lượng Thủy quân lục chiến bị thuyên chuyển đến đảo Guam chỉ còn bằng hơn nửa so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, dù số lượng Thủy quân lục chiến bị thuyên chuyển ít hơn dự kiến, Mỹ vẫn yêu cầu Nhật Bản phải chi trả các chi phí tương tự như trước. 

Đòi hỏi này rõ ràng “gây khó dễ” cho Nhật, khiến dư luận nước này tức giận. Lý do là, không riêng gì Washington, chính Tokyo cũng đang lâm vào tình cảnh “túng quẫn” bởi những hệ lụy của trận động đất, sóng thần và thảm họa rò rỉ hạt nhân tháng 3 năm ngoái. Do đó, kế hoạch chuyển quân cộng với những đòi hỏi quá đáng của Mỹ có khả năng đe dọa sự ổn định cũng như "mối thân tình" của liên minh Mỹ-Nhật.

Theo Đất Việt

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo