Liên minh Nga - Thổ - Iran về Syria đang được định hình
Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc mối quan hệ đồng minh với Nga và Iran nhằm chống khủng bố tại Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ sớm tới thăm Tehran để thảo luận về vấn đề này. Chuyến thăm sắp tới cũng được cho là nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - hai quốc gia đang tìm kiếm sự thống trị trong khu vực.
Hãng thông tấn Fars vừa đưa tin, tuần tới, Tổng thống Erdogan sẽ tới thăm Tehran để thảo luận về liên minh Nga - Thổ - Iran trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.
Trong chuyến công du Nga gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó có nội dung về tình hình tại Syria.
Đầu tuần này, Nga đã sử dụng căn cứ không quân Hamadan tại Iran để các máy bay ném bom chiến lược không kích nhằm vào các mục tiêu tại Syria.
Theo tờ Al-Hayat, gần đây ông Erdogan đã có chuyến công du ngắn ngày tới Iran. Tờ báo này cũng đưa tin, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã điện đàm với ông Putin và sau đó điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
Đầu tuần này, Al-Hayat cho biết, Ankara có thể thay đổi quan điểm hướng đến Syria và thành lập đồng minh với Nga và Iran. Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, đã đến lúc Ankara phải bình thường hóa quan hệ với Damascus và giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria trong sự hợp tác với các cường quốc khác trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang tìm kiếm thế thống trị trong khu vực dù họ có bất đồng về nhiều vấn đề, chẳng hạn như Syria và Yemen.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một chiến dịch quân sự và liên minh quốc tế do Saudi dẫn đầu, trong khi đó Tehran phản đối chiến dịch này. Ngoài ra, Iran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar Assad, trong khi đó từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu ông Assad phải từ chức.
Alexander Sotnichenko, chuyên gia về quan hệ Nga – Thổ cho rằng, việc tạo ra một liên minh thực sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ - Nga – Iran trên lý thuyết là có thể nhưng thực tế khó có thể thành hiện thực.
“Một liên minh giữa các quốc gia then chốt rất cần thiết để lập lại hòa bình cho khu vực Trung Đông. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ với một bên là Nga và Iran lại ủng hộ những lực lượng khác nhau trong cuộc xung đột tại Syria. Xét theo các sự kiện xảy ra gần đây tại Aleppo, Ankara vẫn chưa từ bỏ ủng hộ lực lượng nổi dậy mặc dù sự hỗ trợ này dẫn tới hậu quả tiêu cực cho họ”, chuyên gia Sotnichenko nhận định trong một bài phỏng vấn với tờ Vzglyad của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, hiện tại khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây không ở giai đoạn tốt đẹp nhất, ông Erdogan hiểu được sự cần thiết phải thiết lập mối quan hệ đồng minh với Nga và Iran. Trong chuyến thăm Iran sắp tới, ông Erdogan sẽ nỗ lực tăng cường vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với Matx-cơ-va.
Hơn nữa, thời điểm này hãy còn quá sớm để nói về khả năng đổ vỡ quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO.
“NATO là một liên minh công nghệ và quân sự rất bền chặt, tiếc là Nga không có được điểm đặc biệt này như NATO", chuyên gia trên nhận định.
Trong khi đó, ông Stanislav Tarasov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu "Trung Đông-Caucasus” của Nga cho biết, phương Tây đang để Thổ Nhĩ Kỳ cô đơn với những thách thức nghiêm trọng, trong đó có cuộc khủng hoảng tị nạn và đảo chính quân sự.
"Hoàn toàn không bất ngờ khi ông Erdogan đang tìm kiếm đối tác tại Nga và Iran", ông Stanislav Tarasov cho biết.
Giám đốc Tarasov cũng chỉ ra rằng, bất chấp những căng thẳng giữa Ankara và Tehran, họ có quan điểm chung về vấn đề người Kurd.
Ông Tarasvo cũng giả định rằng, ông Erdogan có thể dễ dàng từ bỏ quan hệ tài chính với IS cũng như hỗ trợ cho khủng bố.
“Hiện tại tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ là chính quyền của ông Erdogan đang bị đe dọa, và để bảo vệ chính quyền của mình ông này có thể làm mọi thứ”, nhà phân tích Tarasvo kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thị trường thế giới biến động thế nào sau khi lễ nhậm chức của Tổng thống Trump?
Tổng thống Donald Trump đe dọa trừng phạt nước Nga nếu Tổng thống Putin không đồng ý việc này
Dự án AI trị giá 500 tỷ USD của Mỹ: Thách thức lớn cho châu Âu
Pháp - Đức bàn đối phó chính sách thuế dưới thời Tổng thống Donald Trump