Liệu có dải chứa than thứ 3 ở bể than Quảng Ninh?
Tại hội thảo khoa học bàn về “cấu trúc địa chất bể than Quảng Ninh” diễn ra hôm nay (24/7), các nhà địa chất hàng đầu Việt Nam cũng cho rằng cấu trúc bể than Quảng Ninh hiện nay không còn phù hợp. Thậm chí, nếu vẫn áp dụng cấu trúc bể than như hiện nay thì khó có thể với tới tiềm năng tài nguyên than vốn rất lớn.
(Vietnam+) Ông Nguyễn Sỹ Quý, Tổng Hội Địa chất Việt Nam cho biết, bể than Quảng Ninh đã được nghiên cứu, điều tra, thăm dò và khai thác từ rất sớm (năm 1865). Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu và hàng trăm báo cáo điều tra, tìm kiếm, thăm dò đã được công bố; trong đó có khá nhiều công trình nghiên cứu cấu trúc, kiến tạo và đánh giá tiềm năng tài nguyên than của bể than.
Tuy nhiên, “hiện nay, trong từng dải than, vùng than, việc liên hệ đồng tên địa tầng và vỉa than vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ví dụ như cánh Bắc và Nam Mạo Khê vẫn chưa liên kết rõ, chưa luận giải được số lượng vỉa than và chiều dày tầng chứa than vùng Mạo Khê-Uông Bí nhiều hơn vùng Hòn Gai-Cẩm Phả,” ông Quý dẫn chứng.
Tại hội thảo khoa học bàn về “cấu trúc địa chất bể than Quảng Ninh” diễn ra hôm nay (24/7), các nhà địa chất hàng đầu Việt Nam cũng cho rằng cấu trúc bể than Quảng Ninh hiện nay không còn phù hợp. Thậm chí, nếu vẫn áp dụng cấu trúc bể than như hiện nay thì khó có thể với tới tiềm năng tài nguyên than vốn rất lớn.
Riêng dải than Vịnh Bắc Bộ đang gây tranh cãi trong nhiều năm qua, các nhà địa chất cho rằng có sự tồn tại của dải than này. Hơn thế, những chuyên gia hàng đầu về địa chất trong và ngoài nước còn dự báo tiềm năng tài nguyên và trữ lượng than trong dải chứa than này là rất lớn.
Cụ thể, theo tài liệu của E.Soranh, năm 1960, qua lỗ khoan tìm kiếm nước ở độ sâu từ 53-210m tại Hải Phòng, các chuyên gia đã gặp các trầm tích màu đỏ được xem thuộc hệ tầng Hạ Cối. Đặc biệt, từ độ sau 178-181m, trong cát kết và đá phiến màu đỏ có chứa các mảnh than antraxit.
Gần đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thi công một số lỗ khoan trong khu vực Vịnh Bắc Bộ và đã gặp các trầm tích chứa than. Ngoài ra, theo một số nguồn tin từ Nhật Bản và Mỹ, qua phân tích tài liệu viễn thám và các tài liệu vật lý cũng đã dự báo trong phạm vi Vịnh Bắc Bộ có tồn tại cấu trúc chứa than giống như khu vực Hòn Gai (Quảng Ninh).
Từ những phân tích trên, các nhà địa chất hàng đầu Việt Nam cho rằng oằn võng Vịnh Bắc Bộ (Dải than Vịnh Bắc Bộ) có thể là dải than thứ ba của bể than Quảng Ninh. Cùng với đó, triển vọng chứa than trong phạm vi Vịnh Bắc Bộ khá lớn, tiềm năng tài nguyên than không kém và có thể còn lớn hơn oằn võng chồng Phả Lại-Kế Bảo.
Qua những dẫn liệu nêu trên, các nhà địa chất khẳng định việc nghiên cứu cấu trúc, kiến tạo địa chất tại bể than Quảng Ninh, xác định đúng đắn tiềm năng tài nguyên than của bể than và đánh giá triển vọng chứa than của dải than Vịnh Bắc Bộ là việc làm cần thiết và cấp bách.
Cùng với đó, “chúng ta cần làm rõ vị trí địa tầng và tuổi của các trầm tích chứa than trong từng dải than và toàn bộ bể than; giải thích thỏa đáng các vấn đề đồng tên địa tầng và các vỉa than; tập hợp nghiên cứu sâu về sự tồn tại của các vùng chứa than, vỉa than, liên hệ giữa các vùng chứa than và vùng liền kề đồng thời làm cơ sở xác định sự tồn tại của địa tầng chứa than, vỉa than…,” các nhà địa chất kiến nghị.
Đồng tình với các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc khẳng định xác định cấu trúc bể than Quảng Ninh là “cơ hội” cho sự phát triển của ngành than Việt Nam. Tuy nhiên, để xác lập được cấu trúc bể than phù hợp với tiềm năng vốn có, chúng ta cần đầu tư thêm công nghệ hiện đại hơn nữa, chứ không thể làm theo kiểu "thầy bói xem voi"./.
Hùng Võ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo