Lĩnh vực logistics: Cần tạo dựng nền tảng bằng công nghệ
Mới ra đời hơn 2 năm, nhưng Công ty cổ phần Giao Hàng Nhanh đã xác lập được chỗ đứng cho riêng mình với lượng khách hàng ngày càng tăng.
Nhóm bảy thành viên sáng lập của Giao Hàng Nhanh đều thuộc thế hệ “8X”, đa số là những kỹ sư công nghệ thông tin từng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại các công ty thương mại, bán lẻ. Họ gặp nhau ở mục tiêu chung: xây dựng một công ty giao nhận hàng hóa chuyên nghiệp cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Tạo dựng nền tảng vững chắc bằng công nghệ
Lương Duy Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Giao Hàng Nhanh nhấn mạnh, trong lĩnh vực logistics hiện đại muốn thành công cần có hệ thống công nghệ tốt. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp với các giá trị cốt lõi để luôn thực hiện được cam kết với khách hàng. Trong đó, nền tảng công nghệ thông tin vững chắc là nền móng giúp công ty hoạt động tốt. Nếu như đầu năm 2014, Giao Hàng Nhanh chỉ có khoảng 200 nhân viên, mỗi ngày giao được 2.000- 3.000 đơn hàng thì đến cuối năm 2014, số nhân viên đã tăng lên hơn 1.000 người và mỗi ngày giao trên 10.000 đơn hàng. Dự kiến trong vòng một năm tới, số lượng nhân viên của công ty này sẽ tăng lên khoảng 3.000 người. Như vậy, việc tuyển dụng và đào tạo trong thời gian ngắn một lực lượng lao động lớn để làm công việc giao hàng không khó, nhưng khó ở chỗ phân loại hàng hóa tối ưu, để tạo môi trường giao tiếp tiện lợi giữa công ty với khách hàng hay giữa nhân viên với nhau. Do vậy, bộ phận công nghệ thông tin của Giao Hàng Nhanh có trọng trách tạo dựng một hệ thống quản lý phù hợp trong công ty.
“Chúng tôi phải tự mày mò, học hỏi và xây dựng hệ thống công nghệ quản lý riêng. Trong quá trình hoạt động, công ty phải liên tục khắc phục và sửa chữa. Chẳng hạn từ giữa năm đến tháng 11/2014, công ty phải ngừng tiếp nhận khách hàng mới vì hệ thống không xử lý kịp khi đơn hàng tăng lên quá nhanh. Tuy nhiên, đây là việc bất đắc dĩ và không thể lặp lại trong thời gian tới”, Lương Duy Hoài nói.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, công ty sẽ hỗ trợ để toàn bộ nhân viên được trang bị điện thoại di động thông minh, qua đó kết nối với hệ thống mạng của công ty để cập nhật thông tin, giúp quy trình giao nhận hàng được xử lý nhanh hơn. Đồng thời, nhờ đó mà công ty cũng kiểm soát được nhân viên và hàng hóa ở bất kỳ đâu, vào bất cứ lúc nào. Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý công nghệ thông tin hiện đại, Giao Hàng Nhanh đưa ra những gói dịch vụ với chi phí linh hoạt dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau. Mục đích là đảm bảo cho khách hàng cá nhân bán hàng online và khách hàng sỉ (các siêu thị) có mức lợi nhuận phù hợp.
Theo ước tính, giá trị trung bình một đơn hàng bán qua mạng chỉ dao động từ 200.000 – 300.000 đồng, trong đó người bán hàng sẽ thu được khoản lợi nhuận 20 – 25% (tương đương 40.000 – 70.000 đồng). Nếu phí gửi hàng đi các tỉnh, thành hết 30.000 – 40.000 đồng thì chắc chắn người bán hàng sẽ hầu như không có lãi. Hiểu được vấn đề này, Giao Hàng Nhanh chủ động đưa ra mức cước phí trung bình đi các tỉnh thành chỉ khoảng 24.000 đồng/gói hàng với mục tiêu góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Lỗ trước, lời sau?
Lương Duy Hoài cho biết, tính đến thời điểm hiện tại công ty vẫn còn thua lỗ. Theo dự kiến, khi nào số lượng đơn hàng tăng lên ở mức 50.000 đơn/ngày thì mới hòa vốn và từ mức đó trở lên mới có lãi. Tương tự, hiện nay tính bình quân một nhân viên chỉ giao được chưa tới 20 đơn hàng/ngày, trong khi phải nâng lên 40 đơn hàng/ngày mới hòa vốn.
“Ước tính một nhân viên của Tập đoàn chuyển phát nhanh UPS ở Mỹ giao trung bình 160 gói hàng/ngày. Chúng tôi ra đời sau, điều kiện ở Việt Nam cũng khác nên mục tiêu của công ty là trong vòng 1-2 năm sau, một nhân viên có thể giao được 80 – 90 gói hàng/ngày. Để làm được điều này chắc chắn việc phân loại, sắp xếp hàng hóa bằng công nghệ thông tin phải được quản lý và khai thác tối ưu”, Lương Duy Hoài nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi liệu Giao Hàng Nhanh có thể đạt đến số lượng 50.000 đơn hàng/ngày trở lên hay không, Chủ tịch HĐQT Lương Duy Hoài đưa ra một bài toán để chứng minh tính khả thi của mục tiêu này. Ông Hoài phân tích, theo công bố của Cục Thương mại Điện tử, doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam ước tính khoảng 2,5 tỷ USD/năm và giá trị đơn hàng online từ 200.000 – 300.000 đồng/đơn hàng (tương đương 166 triệu đơn hàng/năm). Như vậy, tính bình quân có khoảng 550.000 đơn hàng/ngày được giao dịch. Đó là chưa kể giao dịch trong thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhanh chóng tại Việt Nam nên mục tiêu 50.000 – 100.000 đơn hàng/ngày của Giao Hàng Nhanh không phải bất khả thi. Hơn nữa, theo tính toán của ông và ban lãnh đạo công ty, việc bán hàng online ngày càng được đẩy mạnh, nhưng rất ít đơn vị thật sự muốn xây dựng, quản lý đội ngũ giao hàng riêng, vì chi phí cao và khá phức tạp. Do đó, việc thuê dịch vụ bên ngoài, vừa chuyên nghiệp hơn vừa tiết kiệm hơn sẽ là xu hướng tất yếu.
“Bài toán thắng - thua nằm ở chỗ ai quản lý được đội ngũ lớn và tối ưu mỗi ngày. Muốn nhanh hơn, rẻ hơn và thông minh hơn thì phải lớn hơn và hiệu quả hơn. Trong vòng 3 năm tới, đội ngũ nhân viên của Giao Hàng Nhanh sẽ đạt tới 10.000 người và công ty sẽ là đơn vị giao nhận hàng hóa lớn nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử”, Lương Duy Hoài tự đặt ra mục tiêu cần chinh phục cho công ty còn non trẻ của mình.
Nguồn vốn để duy trì hoạt động cho đến khi công ty có lãi vẫn là thách thức lớn với Giao Hàng Nhanh, song các sáng lập viên đều khẳng định quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu.
Theo DDDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo