Lo ngại thủy điện sông Mekong
Kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính Mekong gồm có tám đập - 2 hồ (giai đoạn 1) trên dòng chính sông Lan Thương/Mekong ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; chín công trình thủy điện đập dâng trên dòng chính của Lào và trên biên giới Lào - Thái Lan và 2 công trình thủy điện trên dòng chính của Campuchia.
Tình hình này đã gây ra nhiều lo ngại về các tác động xấu đến quốc gia ở hạ lưu là Việt Nam. Báo cáo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã đề cập đến sự gia tăng nhanh chóng việc sử dụng nước trong lưu vực.
Cùng với việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện ở Vân Nam, thì Lào đã chính thức thông báo kế hoạch xây dựng công trình thủy điện dòng chính Xayaburi, công trình đầu tiên trong chuỗi 11 công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mekong.
Thái Lan và Campuchia cũng đang tăng cường chuẩn bị các công trình của mình.
Theo một nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược của Trung tâm quản lý môi trường quốc tế (ICEM), Lào là quốc gia được lợi nhiều nhất, chiếm 70% tỷ trọng đóng góp sản lượng điện được sản xuất bởi thủy điện của toàn vùng. Campuchia chiếm 11-12%, Thái Lan cũng khoảng 11-12%.
Việt Nam có khoảng 14 triệu người bị ảnh hưởng gián tiếp do thu nhập từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản giảm. Một tác động khác từ biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng cực đoan về thời tiết, dẫn đến giảm độ an toàn của các công trình, gây nguy cơ rủi ro cho cuộc sống và sản xuất của cộng đồng dân cư vùng hạ du.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ Tài nguyên - Môi trường, Ủy ban sông Mekong VN phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan tiến hành một nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về tác động tổng thể của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong tới đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng thống nhất tiến hành một nghiên cứu chung do Nhật Bản hỗ trợ về “Quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm cả nghiên cứu các tác động từ các dự án thủy điện dòng chính”.
Trong phương hướng nhiệm vụ đến năm 2013, Ủy ban sông Mekong VN khẩn trương triển khai thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong, với mục tiêu cụ thể của nghiên cứu (sẽ được triển khai từ năm 2012 - 2014) là xây dựng được cơ sở bằng chứng khoa học vững chắc về tác động của phát triển thủy điện dòng chính hạ lưu vực Mekong lên các hệ sinh thái tự nhiên, xã hội, kinh tế, và thể chế đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời sẽ đánh giá, định lượng được các tác động của thủy điện dòng chính tới hạ lưu vực sông Mekong, bao gồm chế độ dòng chảy, phù sa và dinh dưỡng, chất lượng nước hạ lưu, sự di cư và sản lượng thủy sản...
Theo TN
End of content
Không có tin nào tiếp theo