Lo nhập siêu trở lại
Khó khăn vẫn ồ ạt nhập hàng xa xỉ
Còn một tháng nữa là kết thúc năm 2014 nhưng số liệu xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho thấy: Hàng xa xỉ cần hạn chế nhập khẩu liên tục tăng với tốc độ khá nhanh trong nhiều tháng liên tiếp.
11 tháng, cả nước chi tới 119,13 tỷ USD để nhập các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Đáng chú ý, đất nước nông nghiệp như Việt Nam, nhập khẩu các mặt hàng rau quả cũng hơn 1 tỷ USD. Lúa mì nhập khẩu cũng tăng xấp xỉ 20%, ngô tăng 132,1%, nhập khẩu than đá tăng 36,1%.
Với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, tổng số ngoại tệ phải chi ra từ đầu năm đến nay ở mức 5,65 tỷ USD. (Riêng việc nhập khẩu phế liệu sắt thép cần tới 1,16 tỷ USD). Trong khi đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (hàng xa xỉ), dù rất quyết liệt nhưng cũng ngốn lượng ngoại tệ tới 5,34 tỷ USD.
Sự nhập khẩu ồ ạt trở lại của các dòng xe sang cũng góp phần không nhỏ trong việc làm hao hụt ngoại tệ của nền kinh tế. Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc (trung bình 8.000 xe/tháng) trong hai tháng 10 và 11/2014 khiến lượng ngoại tệ bỏ ra tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 11 tháng qua, cả nước nhập khẩu khoảng 60.000 xe ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị tương đương 1,29 tỷ đô la Mỹ. So với con số 709 triệu USD nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của năm 2013, số ngoại tệ chi ra của năm nay cho mặt hàng này là rất lớn.
Cùng đó, riêng mặt hàng điện thoại di động ngốn tới 1 tỷ USD; các loại máy tính, linh kiện điện tử tiêu tốn 17 tỷ USD. Đây là số ngoại tệ được doanh nghiệp chính thức báo cáo với số lượng nhập khẩu thật, có hóa đơn chứng từ. Các chuyên gia cũng ước tính, lượng ngoại tệ “chảy máu” qua nhập hàng điện tử xách tay, trốn thuế cũng tương đương vài tỷ USD/năm.
Một quan chức của Bộ Công Thương cho biết, sự lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là vấn đề lớn, khi thị trường này chiếm gần 29,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước (với tổng giá trị nhập khẩu tới 23,1 tỷ USD). Lượng nhập khẩu này cao gần gấp đôi so với thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Hàn Quốc.
Gánh nặng lớn
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mang tiếng Việt Nam xuất siêu mấy năm, nhưng đây không phải điều quá mừng nếu phân tích kỹ cơ cấu xuất nhập khẩu. Luồng tiền xuất siêu chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhiều năm qua vẫn đang trong “điệp khúc” nhập siêu. Việc nhập siêu trở lại trong 2015 sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt nhiều vấn đề lớn như sự chuyển dịch từ sản xuất sang thương mại. Cùng đó là sự lép vế về sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng gia tăng. Những vấn đề trên không dễ giải quyết, nếu chiếu theo cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo ông Hải, việc nhập siêu trở lại một phần do các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam trong năm tới. Cùng đó, các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại các tỉnh, thành trên cả nước có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất tại thị trường trong nước. Cũng như việc nhiều doanh nghiệp ở các khối kinh tế trên thế giới bắt đầu vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ các hiệp định sắp được ký kết. Ước tính riêng nhập khẩu máy móc, phụ tùng phục vụ các khối doanh nghiệp này sẽ khiến kim ngạch nhập khẩu năm tới gia tăng nhiều tỷ USD.
“Năm 2015, hàng loạt nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động, nên có thể chúng ta sẽ phải tính tới bài toán nhập khẩu than (hay nhập khẩu dầu thô làm nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu trong nước). Đây cũng là vấn đề làm tăng gánh nặng nhập siêu. Nhập siêu là vấn đề lớn với nền kinh tế khi theo tính toán, phải đến năm 2020 Việt Nam ta mới cân bằng được cán cân thương mại”, ông Hải cho biết.
Theo Bộ Công Thương, năm 2014, Việt Nam có thể xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu cỡ 163 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu sẽ phải tăng nhiều hơn; mức dự báo nhập siêu sẽ trong khoảng 6 - 8 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo