Môi trường

Lở núi ở Hòa Bình: Nguy hiểm được báo trước

Vụ sạt lở núi phủ lấp đường trên quốc lộ 6, đoạn thuộc xã Đồng Bảng, Mai Châu (Hòa Bình) vào ngày 16/2 khiến hai người chết và làm tắc đường đến nay. Điều đáng nói, điểm sạt lở nằm trong khu vực đã được Viện Địa chất nghiên cứu và chỉ ra... từ năm 2006!

Đề tài: “Nghiên cứu tổng hợp các loại hình tai biến địa chất trên lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng tránh” đã được Viện Địa chất, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam nghiên cứu xong từ năm 2006.

Nguy hiểm rình rập

Đề tài trên do GS Nguyễn Trọng Yêm, Viện Địa chất làm chủ nhiệm. Trong đề tài, các nhà khoa học đã chỉ ra hàng loạt các điểm có nguy cơ bị sạt lở. Khu vực xã Đồng Bảng nêu trên cũng nằm trên một đới đứt gãy kiến tạo hoạt động mạnh phương  tây bắc – đông nam, một nhánh của đới Sông Đà.
 

 

Trên tuyến đường này, đã ghi nhận được hai điểm nứt trượt lở đất có qui mô trung bình lớn: điểm tại bản Solo  tọa độ: 200 44' 33" bắc, 1050 01' 03" đông và điểm Thung Nhuối - Mai Châu tọa độ: 200 41' 22" bắc 1050 04' 43".

Không riêng gì khu vực này mà nhiều điểm khác cũng có nguy cơ sạt lở cao như Suối Láo - nằm trên đường giao thông quan trọng thông sang tỉnh Phú Thọ; điểm trượt lở tại xã Noong Luông; điểm nứt sụt và trượt lở đất tại Bình Hẻm; các điểm nứt, trượt tại khu đồi Ông Tượng; điểm sạt lở khu vực đèo Chồng Mâm; điểm trượt lở tại dốc Cun… cũng đã được chỉ ra chi tiết.

Trong đề tài còn có một phần dành riêng để nêu “Một số giải pháp cụ thể đối với các tai biến địa chất xảy ra”. Theo GS.TSKH Nguyễn Địch Dỹ, thành viên nghiên cứu đề tài, tất cả kết quả đã được bàn giao cho địa phương.

Ứng dụng ở đâu?


Ông Nguyễn Dương Hùng, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình cho biết, các kết quả nghiên cứu khoa học có đưa ra cảnh báo về nguy cơ sạt lở, sụt lún đã được chuyển đến lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đối với các khu vực có nhiều dân sinh sống, tỉnh đã đầu tư 17 tỉ đồng để di dời dân đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, việc ứng dụng các giải pháp can thiệp đối với các khu vực được chỉ ra là sạt lở đến đâu thì không được biết!


Theo TS Trần Trọng Huệ, đối với bất kỳ nghiên cứu nào sau khi được nghiệm thu, nếu là đề tài cấp nhà nước thì sẽ bàn giao cho Bộ Khoa học Công nghệ, rồi sau đó sẽ bàn giao về tỉnh, tuy nhiên áp dụng vào thực tế được đến đâu quả là khó kiểm soát.

Trong thực tế, các nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp hết sức cụ thể để hạn chế sạt lở. Cụ thể, đối với điểm trượt lở ở Suối Láo (Hòa Bình, nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân trực tiếp gây trượt lở là do sườn dốc lớn, đất đá bề mặt phong hoá triệt để bở rời, dễ thấm nước giảm lực liên kết, tăng trọng lượng của khối đất dễ dàng xảy ra trượt trong mùa mưa lũ.

 

 

GS Nguyễn Trọng Yêm giới thiệu bản đồ cảnh báo những điểm có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá - sản phẩm của đề tài KC 08.01 "Nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng tai biến môi trường tự nhiên lãnh thổ Việt Nam". (Ảnh: Bích Ngọc)


 Do vậy, các nhà khoa học đã kiến nghị, lòng đường trên tầng cao nhất này cần được di chuyển bằng cách mở rộng vào thân đồi phía trong. Khi đường đã được mở rộng, mái taluy phía trong cần có độ dốc vừa phải ở mức cho phép, cố gắng để trống mặt bằng lề đường bên phía taluy âm, tạo đường thoát nước hợp lý sao cho khi nước chảy không gây phá hủy lớp đất đá bề mặt.

 

Đối với tầng đường thấp hơn tuy có mái dốc rất lớn nhưng ở một số vị trí do có trượt cổ tạo bậc nên độ dốc ở các khu này cũng giảm, do đó tải trọng cũng bị chia cắt. Các khối trượt cổ đã được cố kết lại tương đối ổn định nên ở tầng này có thể khoan đến đá rắn chắc và làm cột chống trượt là tốt nhất. Ngoài ra, mái dốc ở một số chỗ cũng cần được giảm và đặc biệt phải có hệ thống thoát nước hợp lý.

Tại Noong Luông, nếu có điều kiện có thể tiến hành neo một số tảng đá có tiềm năng lăn bất cứ lúc nào vào khối đá rắn chắc hơn; ở những khu vực dập vỡ nhiều có thể khoan phụt vữa.


Tại điểm trượt lở đường tại khu vực xã Do Nhân, điểm sạt lở bờ suối này có qui mô khá lớn, sạt lở gây nứt và sụt bậc rõ rệt. Giải pháp tốt nhất cho điểm tai biến ở đây có lẽ là thay đổi vị trí đường đi. Nếu biện pháp trên không thực hiện được thì có thể tiến hành khoan đổ bê tông một số cột ở khu vực bờ suối, sau đó đắp lại đoạn đường; các vết nứt phải được lấp nhét bằng vật liệu ít bị thấm sau khi khoan phụt vữa vào khu vực nứt.


Đối với các điểm trượt lở, nứt ở khu vực Mường Khến dọc theo Quốc lộ 6 cũng có thể áp dụng giải pháp nêu trên. ..

Như vậy, về cơ bản các nguy cơ đã được chỉ ra cùng với các giải pháp can thiệp cụ thể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hiện tượng sạt lở xảy ra bất ngờ gây thiệt hại về người, của và ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng như ở Đồng Bảng là điều khó hiểu.
 

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo