Môi trường

Lở núi ở Hòa Bình: Nói cảnh báo được là liều

“Ai nói cảnh báo được là hơi liều...!”. PTS Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học-Công nghệ Giao thông vận tải phản bác ý kiến trước đó của các nhà địa chất khi cho rằng vụ sạt lở núi ở quốc lộ 6 đã được cảnh báo trước.

Sau khi Báo Đất Việt (21/2) có bài viết “Sạt lở núi ở Hòa Bình: Nguy hiểm đã được cảnh báo”,  PTS Doãn Minh Tâm, Viện trưởng viện Khoa học-Công nghệ Giao thông vận tải đã có cuộc trao đổi với ĐV như dưới đây.



Vụ núi lở đã xảy ra vào sáng ngày 16.2 tại Km 138 + 500 trên Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Vụ sạt lở đã vùi lấp hai người đang đi trên đường. Đến 9 giờ sáng ngày 24/2, các đơn vị chức năng mới thi công xong một đoạn đường tránh, tạm thời giải tỏa lưu thông một số phương tiện giao thông có trọng tải nhẹ. Đoạn đường bị sạt lở nằm trong tọa độ cảnh báo nguy hiểm thuộc đề tài “Nghiên cứu tổng hợp các loại hình tai biến địa chất trên lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng tránh” đã được Viện Địa chất thực hiện trong giai đoạn: 2001 – 2003).

 

- Phóng viên: Được biết ngay sau khi xảy ra sự cố ông đã có mặt tại hiện trường để khảo sát tình hình, xin ông đánh giá sơ bộ về nguyên nhân sạt lở?

 

- Ông Doãn Minh Tâm, Viện trưởng viện Khoa học-Công nghệ Giao thông-Vận tải: Sơ bộ là như thế này… Về điều kiện địa hình đây là khu vực núi cao, địa hình dốc, mái taluy cũng rất cao. Về mặt địa chất khu vực này là đá phong hóa, loại đá này có đặc điểm cứng  thớ đá nằm bất lợi, lại nhô ra mặt đường nên dễ sụt.



Về mặt nguyên nhân, tuy chưa tiến hành khảo sát cụ thể nhưng ở góc độ chuyên môn thấy rằng những ngày gió mùa đông Bắc kết hợp với mưa phùn làm tăng trọng lực của khối đá. Ở đây là đá phong hóa ngấm, lớp vỏ đá phong hóa khá dày. Hai nữa là nước ngầm có thể xuất hiện vì phiến đá có khe nứt nẻ lớn. Thứ ba là khu vực Hòa Bình, Sơn La còn nằm ở dải tân kiến tạo, tức là hoạt động kiến tạo vẫn còn phức tạp gọi là đá cựa mình, cho nên đây vẫn xác định đây là trung tâm chấn động. Chính vì thế, trong điều kiện mưa không to, không ai động chạm đến nhưng khi độ ẩm của khối đá tăng lên đã làm giảm lực liên kết của khối đá. Đến thời điểm bất lợi nhất thì tự nó rơi ra và sập xuống. Chúng tôi tạm gọi là trượt lở đá.

 

- PGS vừa nhắc đến các nghiên cứu về địa chất nơi đây phức tạp. Tức là biết nguy hiểm nhưng tại sao khi làm đường vẫn để taluy quá cao như vậy?

 

- Tức là quốc lộ 6 thuộc khu vực Hòa Bình, Sơn La nằm trên vùng có hoạt động kiến tạo, cấu trúc địa chất bất lợi nên từ xưa đến nay, cho nên hiện tượng như vừa rồi là do hiện tượng thiên nhiên. Bản thân quốc lộ 6 làm từ thời Pháp mà bao nhiêu năm nay đoạn đường đấy có làm sao đâu. Đã là núi cao thì làm gì có chuyện taluy thấp nên chúng ta phải chấp nhận điều đó…. Cái này là sự cố xảy ra ngoài ý muốn của con người ...

 

- Thưa PGS, Viện ta đã có công trình nào nghiên cứu về nguy cơ sạt lở ở khu vực này chưa?



- Nhiều chứ, chúng tôi cũng có nhiều công trình nghiên cứu về địa chất, giao thông khu vực này. Nói chung, công tác báo cáo vấn đề trượt lở hàng năm chúng tôi đều có văn bản báo cáo bộ. Thế nhưng thiên nhiên rộng lớn không thể hiểu hết được. Hơn nữa chúng ta cũng không có điều kiện, thiết bị để mà đi tìm hiểu kỹ, khảo sát từng điểm và cảnh báo sớm được.

 

- Các nhà khoa học viện địa chất cho rằng, đã có kết quả nghiên cứu và cảnh báo rồi mà bên Bộ Giao thông Vận tải không thực hiện. Ý kiến của ông về vấn đề này?

 

- Không hẳn thế, các cảnh báo như thế của họ chỉ là chung chung, kiểu như nói là an toàn giao thông chỗ này có thể  ùn tắc, chỗ kia có khả năng thế này, thế khác chứ có cụ thể đâu. Nói có kết quả cảnh báo rồi mà bên giao thông không thực hiện là hơi chủ quan.

 

 


 

- Với các điểm có nguy cơ sạt lở khác với góc độ chuyên gia thì nên làm như thế nào đề tránh hiện tượng như vừa qua?

 

- Chúng tôi là Viện Khoa học-Công nghệ Giao thông-Vận tải, việc xử lý lún sụt là đứng đầu ngành Giao thông-Vận tải và hiện nay chúng tôi đang có dự án với Nhật Bản tiến hành khảo sát các điểm sạt lở tại đèo Chẹn trên quốc lộ 37 và tháng Ba này sẽ bắt đầu triển khai. Nhưng tôi khẳng định rằng, việc dự báo, cảnh báo là rất yếu. Cho nên ai nói cảnh báo được trước là hơi liều, không chính xác mà phải dựa vào điều kiện thực tế, dựa vào các dấu hiệu cụ thể, rõ ràng, chứ còn bình thường cây cỏ vẫn mọc, hàng chục năm vẫn bình thường, vậy mà mình cứ suốt ngày đi tìm, đánh giá thì tiền của sao đủ, và công nghệ nào dám khẳng định là chính xác hết được. Đừng suy nghĩ rằng khoa học của mình đã quá giỏi mà chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định.


Tôi khẳng định lần cuối cùng rằng việc đã cảnh báo trước là không đúng đâu.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

Theo ĐV

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo