Lo nước ô nhiễm làm bẩn sông Sài Gòn
Đầu tư 316 triệu USD cho dự án vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (trong đó trạm bơm xử lý nước thải 64.000m3/giờ, vốn đầu tư 18 triệu USD) nhưng phải chờ đến bảy năm nữa dự án mới có thể phát huy hết hiệu quả.
Theo kế hoạch, đến ngày 30/6/2012 giai đoạn một dự án vệ sinh môi trường Thành phố kết thúc và dự kiến đến năm 2014 mới triển khai thi công giai đoạn 2, năm 2019 dự án mới hoàn thành.
“Loay hoay” giai đoạn 2
Một cán bộ Công ty Tư vấn CDM (Hoa Kỳ) - đơn vị thiết kế và giám sát dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1 - cho biết từ năm 2008-2009 CDM đã đề nghị khẩn trương lập dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 (tổng mức đầu tư 316 triệu USD) để triển khai ngay sau khi xong giai đoạn 1.
Nhưng gần ba năm qua, chủ đầu tư dự án là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố (viết tắt là Trung tâm Chống ngập) vẫn loay hoay với việc lập dự án.
Tiến độ dự án giai đoạn 2 chậm nên trạm bơm nước có công suất 64.000m3/giờ đưa vào vận hành trong tháng 7-2012 chỉ làm “nhiệm vụ” bơm nước thải của khoảng 1,5 triệu dân sống trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn, thay vì đưa qua nhà máy tại Q.2 (thuộc giai đoạn 2) xử lý, sau đó mới thải ra sông nhằm giảm ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Văn Công - phó giám đốc Trung tâm Chống ngập Thành phố, lý do triển khai dự án giai đoạn 2 chậm là do vốn đầu tư quá lớn nên việc tìm nhà tài trợ rất khó khăn.
Có ảnh hưởng đến nước sinh hoạt?
Như vậy, ít nhất bảy năm nữa mới có nhà máy xử lý nước thải và khi đó nước thải ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới được xử lý trước khi thải ra sông Sài Gòn. Hiện tại nước thải được thu gom qua trạm bơm trên và lược rác, sau đó pha loãng với nước sông bơm thẳng ra sông Sài Gòn mà không qua xử lý.
Cán bộ Công ty tư vấn CDM giải thích trong quá trình thiết kế đã xác định trạm bơm nước thải đổ ra sông Sài Gòn ở miệng xả ngầm thuộc khu vực không lấy nước để cấp nước sinh hoạt, không có nuôi trồng thủy sản...
Nguồn thu nước để cấp nước sinh hoạt cho Thành phố là ở Bến Than - cách miệng xả ngầm khoảng 47km về phía thượng nguồn. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ đã khẳng định vấn đề pha loãng nước thải không gây tác động đối với chất lượng nước sông Sài Gòn so với hiện trạng.
Tuy nhiên GS.TS Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học môi trường, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, nói việc bơm nước thải từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra sông Sài Gòn là không nên, chẳng khác nào đưa ô nhiễm từ chỗ này đến chỗ khác. Điều này trái với nguyên tắc xử lý ô nhiễm là phải làm sao giảm thiểu ô nhiễm. Chưa kể khi nguồn nước ô nhiễm được đưa ra sông Sài Gòn thì mức độ ô nhiễm được mở rộng làm cho hệ sinh thái, nguồn nước trên sông Sài Gòn vốn đã ô nhiễm càng ô nhiễm hơn.
“Điều này đe dọa đến môi trường sinh thái, đặc biệt nguồn nước sông Sài Gòn hiện nay còn phục vụ việc cung cấp nước sạch của hàng triệu người dân Thành phố.
Đây là vấn đề mà chúng tôi nhiều lần có ý kiến tại các hội thảo khoa học liên quan đến dự án vệ sinh môi trường trước khi triển khai nhưng đến nay vẫn chưa được các đơn vị liên quan tiếp thu”, ông Bá nói. Còn việc trạm bơm có khử mùi, vớt rác trước khi thải ra sông cũng không làm giảm mức độ ô nhiễm của nước kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo