Loạn xuất khẩu lao động
Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... là rất cao.
Tại buổi tọa đàm xuất khẩu lao động - chính sách, trách nhiệm và lợi ích, do báo Lao Động tổ chức ngày 3/5, anh Nguyễn Ngọc Chiến (quê huyện Tam Nông, Phú Thọ) nói: Năm 2005, do thi trượt đại học anh đăng ký đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc.
Theo quy định, lao động chỉ phải nộp 675 USD, nhưng anh đã phải nộp tới 6.000 USD cho môi giới. Theo anh Chiến, nhiều lao động khác cũng nộp tiền cho môi giới nên tổng chi phí để sang được Hàn Quốc làm việc gấp rất nhiều lần so với quy định.
“Người ít mất 2.000 USD, người nhiều mất 10.000 USD, thậm chí có người mất tới 15.000 USD” - anh Chiến nói.
Theo anh Chiến, khi sang Hàn Quốc, đa số lao động phải làm việc rất vất vả. Mỗi ngày chỉ được ăn một bát cơm. Nhà ở nhỏ hẹp, đông đúc. Cuộc sống rất tạm bợ vì phải đi hết nơi này đến nơi khác.
Đặc biệt, khi sang Hàn Quốc, anh bị trung tâm môi giới ký hợp đồng hoàn toàn phủi tay, không quan tâm đến cuộc sống: “Sau ba năm làm việc, tôi về nước với số tiền tiết kiệm là 37.000 USD. Tuy số tiền khá lớn, nhưng so với công sức bỏ ra và cuộc sống tiết kiệm ở mức tối đa tại Hàn Quốc, thật không đáng”.
TS Phạm Đỗ Nhật Tân, đến từ Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, hiện, lao động muốn đi xuất khẩu lao động giống như đi rừng mà không có la bàn. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động tốt xấu lẫn lộn, hệ thống chân rết, cò mồi tung hoành khắp nơi, khiến lao động như lạc vào ma trận.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), tính từ năm 2003 đến nay, lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh, bình quân khoảng 6.600 lao động/năm (khoảng 550 lao động/tháng).
“Để xin cấp giấy phép hoạt động, doanh nghiệp phải qua hai lần kiểm tra của Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở Lao động Thương binh và Xã hội, bốn lần công văn đi - về của các cơ quan chức năng. Để ra được giấy phép, kể từ khi doanh nghiệp nộp đủ hồ sơ hợp lệ, phải mất ít nhất ba tháng. Doanh nghiệp cần nhưng quan không vội, nên muốn nhanh thì phải chạy. Do đó, để sớm thu hồi, chỉ còn cách thu tiền từ người lao động để bù vào các khoản phí lót tay” Một giám đốc doanh nghiệp giấu tên nói. |
Tại Hàn Quốc, trong số 60.000 lao động đang làm việc, có 8.780 người bỏ trốn cư trú bất hợp pháp. Tại Malaysia, đến hết tháng 9/2011, tổng số lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Malaysia là 13.515 người.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Trung tâm cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại - Công ty cổ phần đầu tư và thương mại (Constrexim - TM) cho biết, tại Đài Loan, số lao động bỏ trốn tăng lên từng ngày, vì họ đã phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn trước khi đi: “Riêng với thị trường Đài Loan, có thể khẳng định, 100% doanh nghiệp thu phí của người lao động cao hơn nhiều so với quy định”.
Thực tế, theo điều tra của Ủy ban lao động Đài Loan, mức phí của người lao động Việt Nam trung bình khoảng 5.600-6.000 USD, một số lao động bị thu đến 6.500-7.000 USD.
Trong đó, phần chênh lệch khoảng 1.800-2.500 USD (khoản tiền này cao hơn quy định) chính là phần tiền môi giới bị tăng cao và người phải gánh chịu chính là người lao động. Khoản phí này cũng cao hơn nhiều so với chi phí của lao động Thái Lan, Philippines và Indonesia khi muốn sang làm việc tại Đài Loan.
TS Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, lao động không bỏ trốn sao được khi thu nhập bên ngoài cao hơn trong Công ty. Đa số lao động đều phải vay tiền trước khi đi nên việc họ trốn ra ngoài để kiếm tiền trả gốc và lãi cho ngân hàng là điều dễ hiểu.
“Nếu tình trạng lao động tiếp tục bỏ trốn tăng cao mà không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nguy cơ cao là các thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc sẽ dừng tiếp nhận lao động Việt Nam như đã từng xảy ra với thị trường Mỹ, Samoa...”- ông Tân nói.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo