Loạt án lớn về tham nhũng, kinh tế bị điều tra
Trong năm 2014, có 18 vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị điều tra như: các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…
Theo báo cáo kết quả công tác của ngành Kiểm sát năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố 77.500 vụ án, tăng 1,5% so với năm 2013, trong đó tăng chủ yếu thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu và tội phạm về tham nhũng; các nhóm còn lại đều giảm.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường, nhiều nhóm tội phạm đã được kiếm chế; hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tốt, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015 của ngành Kiểm sát Nhân dân, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hải cho biết, kết quả nổi bật trong năm qua là ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao tập trung, rà soát, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng.
Đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 18 vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ như các vụ án xảy ra tại Ngân hàng Agribank, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…
Bên cạnh đó, đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 6 vụ án lớn: vụ Dương Chí Dũng, Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Hữu Mãng, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Việt Hùng, Nguyễn Đức Kiên.
Qua đó đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án tham nhũng; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp đình chỉ bị can, đình chỉ vụ án, đảm bảo việc đình chỉ là có căn cứ, đúng pháp luật.
Công tác chống tham nhũng của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đạt nhiều kết quả tích cực; đặc biệt năm 2014 đã phát hiện, khởi tố điều tra 14 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp; chiếm 30,4% số vụ án thụ lý điều tra theo thẩm quyền...
Ngoài ra, cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã tăng cường phát hiện, điều tra xử lý một số vụ án liên quan đến vi phạm, thiếu sót trong hoạt động tố tụng, dẫn đến oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm; khởi tố một số bị can nguyên là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “bức cung”, “dùng nhục hình”, “làm sai lệch hồ sơ vụ án” tại một số tỉnh như Bắc Giang, Sóc Trăng, Phú Yên.
Ngành kiểm sát cũng triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đã khởi tố điều tra nhiều vụ án xâm phạm trong hoạt động tư pháp dẫn đến oan sai; đã làm tốt ơn công tác phát hiện vi phạm pháp luật và ban hành các kiến nghị, kháng nghị...
Mặc dù đạt được những kết quả trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhưng ngành Kiểm sát còn có một số hạn chế, thiếu sót như: Một số Viện kiểm sát địa phương chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Việc điều tra, xử lý một số vụ án, nhất là án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ còn chậm, chất lượng chưa đạt yêu cầu đề ra. Tại một số phiên tòa, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp…
Ngành kiểm sát nhìn nhận, những hạn chế nêu trên chủ yếu do năng lực trình độ và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên chưa đáp ứng yêu cầu; một số đơn vị còn thiếu cán bộ, Kiểm sát viên. Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số Viện kiểm sát địa phương còn chậm đổi mới, kém hiệu quả…
Theo VmMedia
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo