Loạt sếp BSR phủ nhận cáo buộc nhận tiền "chăm sóc" từ Oceanbank
Như thông tin đã đưa, ngày 11/9, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank - OJB) tiếp tục phần xét hỏi. Phiên xử xoay quanh số tiền cựu Tổng Giám đốc (TGĐ) Oceanbank khai chi 19 tỷ đồng “chăm sóc” các lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS). Đối chất tại tòa, cả 4 lãnh đạo này đều bác bỏ việc nhận tiền, theo tin tức trên báo KTĐT.
Trước đó, tại phiên tòa ngày 9/9, Tòa án Hà Nội đã triệu tập gấp 4 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo công ty này đến phiên tòa để làm rõ lời khai của bị cáo Nguyễn Minh Thu – cựu TGĐ Oceanbank. Bị cáo Thu từng khai nhận, giai đoạn bị cáo này làm TGĐ Oceanbank (từ tháng 1/2011) đã trực tiếp chi “chăm sóc khách hàng” cho ba đơn vị là Vietsovpetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Dầu Việt Nam.
Bị cáo Thu khai đã chi tổng cộng gần 19 tỷ đồng tiền lãi ngoài cho Chủ tịch HĐTV, TGĐ, Kế toán trưởng và Phó TGĐ phụ trách khối tài chính. Mỗi lần “chăm sóc khách hàng” ở đơn vị này, cựu TGĐ Oceanbank đều chi từ 200 triệu đồng đến trên dưới 1 tỉ đồng/người, tổng số khoảng 7 đến 8 lần.
Trong phiên tòa sáng nay 11/9, HĐXX đã cho triệu tập 4 lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn gồm: ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng Thành viên; ông Đinh Văn Ngọc - cựu TGĐ; Vũ Mạnh Tùng - Phó TGĐ và ông Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng, theo tin tức trên báo CAND.
Tại phiên xử ngày 11/9, khi HĐXX hỏi điều này, cả bốn vị lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn có tên trên đều phủ nhận và cho rằng, mình không nhận tiền chi lãi ngoài của Oceanbank, đồng thời khẳng định đó chỉ là lời khai một chiều của cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Minh Thu.
Ông Phạm Xuân Quang cho biết, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn có quan hệ gửi và vay tiền tại Oceanbank, hợp đồng tín dụng cao nhất là 1.150 tỷ đồng, thấp nhất là 2 tỷ đồng. Ngoài lãi suất quy định, công ty không nhận bất cứ khoản lãi nào ngoài hợp đồng.
Đối chất tại tòa, Thu khẳng định,từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014, bị cáo đã nhiều lần đưa tiền cho ông Quang và lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn,mỗi lần khoảng 200-300 triệu đồng, lần cao nhất là 500 triệu đồng.
HĐXX tiếp tục cho đối chất, bị cáo Phan Thị Tú Anh cho biết, trong các lần tháp tùng bị cáoThu đến công tác tại Quảng Ngãi, bị cáo chỉ liên hệ mà không biết Thu đưa tiền cho ai vì bị cáo hiểu đó là việc tế nhị nên không thể ngồi đó nhìn lãnh đạo Oceanbank đưa tiền cho đối tác được.
“Bị cáo biết chắc chắn là chị Thu có gặp gỡ một số lãnh đạo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là các ông Nguyễn Hoài Giang, Đinh Văn Ngọc, Vũ Mạnh Tùng và Phạm Xuân Quang. Ngoài ra, cũng có lần chị Thu nhờ bị cáo đưa phong bì đựng tiền cho ông Quang nhưng không biết bên trong bao nhiêu tiền”, bị cáo Anh khai.
HĐXX yêu cầu đối chất về lời khai của bị cáo Thu và bị cáo Anh, ông Phạm Xuân Quang cho rằng, đó là lời khai một phía từ hai bị cáo này. Ông Quang không thừa nhận đã nhận tiền lãi ngoài từ Oceanbank. "Chị Thu có đến Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn vài lần, nhưng những lần ấy đều để tham dự sự kiện, giao lưu, chúc mừng công ty chứ không có cuộc gặp nào ở quán cà phê để đưa tiền như chị Thu khai”, ông Quang nói.
HĐXX hỏi Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang về khoản tiền Oceanbank chi lãi ngoài cho doanh nghiệp, ông này cũng khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào. Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Đinh Văn Ngọc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Vũ Mạnh Tùng cũng cho rằng, những lời khai của bị cáo Thu là lời khai một chiều, chưa được cơ quan điều tra kiểm chứng nên không có cơ sở để xác nhận điều này.
Đối chất với lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, bị cáo Thu khẳng định: “Bị cáo nhớ khoảng 7 lần đã đưa tiền cho Tổng Giám đốc Định Văn Ngọc tiền chi lãi ngoài. Thời điểm đưa tiền thường vào tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 hàng năm.Bình quân mỗi lần bị cáo đưa tiền cho ông Ngọc từ 100-200 triệu đồng, thời điểm cao nhất là 500 triệu đồng. Đối với Chủ tịch Nguyễn Hoài Giang và Phó Tổng Giám đốc Vũ Mạnh Tùng, số tiền từ 500 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng”.
HĐXX yêu cầu bị cáo Thu đưa căn cứ chứng minh lời nói của mình, bị cáo Thu cho biết: “Do đây là tiền chi lãi ngoài trái quy định nên bị cáo không thể có văn bản pháp lý nào để chứng minh. Nhưng toàn bộ số tiền này đều được Hội đồng quản trị của Oceanbank thời điểm đó đưa vào chủ trương trong các cuộc họp và được thông qua ngay sau đó”.
Tham gia thẩm vấn đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa hỏi, theo kết quả điều tra thì từ năm 2009-2010, PVN có văn bản yêu cầu các Tổng công ty và công ty con của PVN phải gửi tiền và sử dụng các dịch vụ của Oceanbank dựa trên cơ sở nào?
Đại diện PVN cho biết, thực hiện thỏa thuận giữa Oceanbank và PVN sau khi trở thành cổ đông chiến lược, PVN không có văn bản nào ép buộc sử dụng mà chỉ là khuyến nghị, căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên.
Đại diện Viện kiểm sát cho biết, hiện cơ quan này đang có văn bản ngày 22/6/2009 do Tổng Giám đốc PVN ký yêu cầu đối với các Tổng công ty và công ty thành viên. Nội dung của văn bản này như yêu cầu bắt buộc các đơn vị thành viên của PVN phải tập trung mọi nguồn lực, nguồn vốn vào một tổ chức tín dụng.
Sau khi thông báo điều này, đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi “Văn bản này của PVN liệu có cản trở sự độc lập của tổ chức thành viên và tiềm ẩn sự rủi ro không?”.
Đại diện PVN cho biết, văn bản đó không mang yếu tố bắt buộc mà chỉ mang tính đề nghị nên các Tổng công ty và công ty thuộc PVN được quyền tự quyết định gửi tiền ở đâu, chứ không phải nhất thiết gửi tiền ở một tổ chức tín dụng nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo