Xã hội

Lời đồn đại về năm sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng luôn nói đến một bằng chứng không thể khác được là lời chứng của mẹ - một người phụ nữ nông thôn có tư duy rất đơn giản, nhưng cũng rất chính xác: Đó là năm Hợi, đó là “ngày tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Tất cả bằng chứng ấy chứng minh rằng ngày sinh chính thức của Đại tướng cho đến bây giờ vẫn là ngày 25/8/1911.

Đại tướng luôn là biểu tượng của niềm tin chiến thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra ở một miền quê rất nghèo, ở khúc ruột miền Trung. Tỉnh Quảng Bình có phía Tây giáp núi, phía Đông có biển và đó là vùng đất hẹp nhất nước, chỗ rộng nhất khoảng 90km, chỗ hẹp nhất chỉ chừng 40km thôi. Đó là khúc thắt của địa hình Việt Nam chúng ta và đấy là một nơi đã từng đương đầu với những thử thách lịch sử và thử thách trước thiên nhiên, đó là vùng đất  “địa linh nhân kiệt”.

Nhân kiệt ở đây để nói những nhân vật đã có vị trí trong lịch sử của một thời. Tôi muốn mở rộng ra một chút để mọi người thấy quê hương của Đại tướng tuy nghèo, nhưng nó tích tụ ở đây rất nhiều những vấn đề lịch sử. Thân sinh của Đại tướng cũng giống rất nhiều người ở đây là trí thức ở nông thôn, là những người có học, tuy đỗ đạt không cao nhưng là những người tiếp thu nền quốc học của dân tộc. Mẹ của Đại tướng là một người phụ nữ chân chì hạt bột. Còn bố của Đại tướng - ông Võ Quang Nghiêm đặt tên cho con mình là Võ Giáp (không có đệm).
 
Thời gian trước kia, một số nhà nghiên cứu lịch sử nước ngoài đã lục tìm được trong hồ sơ lưu trữ của chế độ thực dân cũ một giấy khai sinh rất đầy đủ có chữ ký của bố, chữ ký của người làm chứng, có chữ ký của Chánh Tổng, Lý Trưởng theo đúng quy định của pháp lý đương thời. Chỉ có điều nó được đăng ký vào năm 1934, chứ không phải từ khi Đại tướng ra đời. Vì vậy nó có một chi tiết liên quan đến ngày sinh tháng đẻ của Đại tướng, mà căn cứ vào giấy khai sinh ấy thì đại tướng lại sinh ngày 10/9/1910, trước khi so với ngày sinh 25/8/1911.
 
Tôi nói chi tiết này để chia sẻ vấn đề với người làm Sử, để các bạn trẻ nhận ra cái gì là thật, cái gì là không thật trong lịch sử. Nếu nhìn vào giấy tờ Đại tướng khi qua đời là 104 tuổi cơ, theo cách tính của dân gian chúng ta chứ không phải 103. Đã có lần tôi được nghe giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng “Hình như anh Văn hơn tôi 1 tuổi”, mà giáo sư Trần Văn Giàu sinh năm 1911.
 
Khi chúng tôi đưa vấn đề này với gia đình, với văn phòng của Đại tướng cũng như với Đại tướng thì được trả lời rằng câu chuyện này cũng đã từng được đặt ra và Đại tướng nói rằng giấy khai sinh ấy được khai năm 1934 là khi đã trưởng thành rồi. Lúc ấy, Đại tướng đã bước vào con đường của một thanh niên trí thức sau khi tốt nghiệp cử nhân, cũng như chúng ta bước vào đời nên phải hoàn thiện những giấy tờ nên được khai sau. Đại tướng luôn nói đến một bằng chứng không thể khác được là lời chứng của mẹ - một người phụ nữ nông thôn có tư duy rất đơn giản, nhưng cũng rất chính xác: Đó là năm Hợi, đó là “ngày tháng 7 nước nhảy lên bờ”. Và cái ngày sinh ra cậu bé Võ Giáp ấy là nước lụt dâng lên. Tất cả bằng chứng ấy chứng minh rằng ngày sinh chính thức của Đại tướng cho đến bây giờ vẫn là ngày 25/8/1911.
 
Năm 1911 còn có một dấu mốc hết sức có ý nghĩa nó liên hệ đến cuộc đời sau này của Đại tướng. Như chúng ta đã biết, ngày 5/6/1911 từ bến Cảng Nhà Rồng có một người thanh niên là Nguyễn Ái Quốc mới 21 tuổi đã bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, để đến 29 năm sau thì trở về sát với biên giới đất nước (năm 1940). Năm 1940 cũng là năm đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp Bác Hồ.
 
Chúng ta biết rằng, một người con ở trong một gia đình tri thức nghèo, ở một vùng quê nghèo nhưng cũng là một truyền thống dân tộc là càng nghèo bao nhiêu thì ý chí học hỏi càng lớn bấy nhiêu. Đó là một di sản, một tập quán, một giá trị rất phổ biến ở Việt Nam chúng ta. Võ Giáp đã ra Huế và học ở trường trung học nổi tiếng nhất nơi đào tạo ra rất nhiều những lớp trí thức lớn trong đó có những nhà cách mạng ở miền Trung - đó là ngôi trường Khải Định. Ở đó, Võ Giáp cũng trải qua những hoạt động rất giống Bác Hồ khi còn trẻ.
 
Năm 1908 khi Bác Hồ đang học ở đó thì đã tham gia phong trào thanh niên tri thức, học sinh yêu nước để ủng hộ những người nông dân nghèo khổ trong vụ Kháng thuế ở Trung Kỳ và vì thế bị đuổi học.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng vậy, khi tham gia những hoạt động yêu nước vào những năm 1930 thì ông cũng từng bị địch bắt vào tù. Sau đó, Võ Nguyên Giáp có cộng tác với một nhân vật rất nổi tiếng khi đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng – người cùng với nhà cách mạng Phan Chu Trinh và những người theo tư tưởng Duy Tân tìm cách vận động phong trào dân chủ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng lập ra một tờ báo nổi tiếng thời kỳ đó có tên là “Tiếng dân” và một trong những công việc đầu đời của Võ Nguyên Giáp là làm báo. Làm báo cho tờ Tiếng Dân.
 
Nguyễn Hoàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo