Xã hội

Lời hứa phát triển nông thôn: Vẫn yếu khâu vốn

Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu.

Báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 (khoá XIII) do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày sáng 12/11 khẳng định, ý thức sâu sắc về trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri cả nước, ngay sau mỗi kỳ họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội, nhanh chóng nghiên cứu, cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và khẩn trương tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Quan tâm bố trí vốn cho “Tam nông”

Thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH13 về việc tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua, vốn ngân sách đầu tư hàng năm cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng lên đáng kể với mức cao hơn mức tăng chung của nền kinh tế: năm 2010 tăng 21,3%, năm 2011 tăng 34,7%, năm 2012 tăng 28%. Tỷ trọng chi cho lĩnh vực này trong tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ 35,9% (năm 2009) lên 39,8% (năm 2011) và dự kiến 40,9% (năm 2012).

Mặc dù thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên tăng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân với mức lãi suất thấp. Đến hết tháng 9/2012 dư nợ trong lĩnh vực này tăng 5,3% và chiếm 18% tổng dư nợ (nếu tính cả dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội thì tỷ trọng này là 22%). Ngoài ra, Chính phủ đã có chính sách thu hút, khuyến khích các nguồn lực khác (ODA, FDI...) đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Báo cáo cũng cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đã trở thành phong trào chung của cả nước. Vốn ngân sách bố trí cho lĩnh vực này trong hai năm 2011 và 2012 đạt khoảng 18.300 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương khoảng 3.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương khoảng 15.000 tỷ đồng; đồng thời, chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn cho xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ, vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu, một số tiêu chí nông thôn mới đề ra còn bất cập.

Để khắc phục, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn đầu tư cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai; vận động các nguồn vốn khác và áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù để đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nông thôn mới; sửa đổi bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp.

Tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ sản xuất

Về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo; sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; gắn sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, chú trọng xúc tiến thương mại nội địa; tăng cường việc quảng bá hàng hóa nông, thủy sản truyền thống và tiềm năng tại các Hội chợ thương mại quốc tế.

Mặc dù vậy, chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản còn bất cập. Công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư tương xứng; việc quản lý chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu còn hạn chế…

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian tới cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, nhất là về tín dụng, công nghệ và thị trường; khuyến khích hình thành các chuỗi liên kết về lợi ích từ người sản xuất đến thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân.

Báo cáo cũng đề cập, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu; ban hành 25 Thông tư về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật; kịp thời cung cấp thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhập lậu một số loại nông sản, thực phẩm không bảo đảm chất lượng; việc quản lý kinh doanh một số loại thuốc bảo vệ thực vật chưa chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, gây bức xúc cho xã hội và người dân. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu nông sản cũng như việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Bước đầu thành công thí điểm “cánh đồng mẫu lớn”

Về phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, liên kết 4 nhà, liên kết vùng; nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, Chính phủ đã xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội; chỉ đạo việc đổi mới phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác ở nông thôn; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án “Đổi mới, phát triển hợp tác xã và các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp" và Đề án “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các đối tác kinh tế khác”, trong đó, chú trọng thúc đẩy liên kết 4 nhà.

Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được thực hiện thí điểm bước đầu thành công: đã tăng cường sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng năng suất 10 - 12%, tiết kiệm chi phí 10 - 30%, sản phẩm cơ bản được tiêu thụ. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình này trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu; về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng Đề án "Phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng"; trình Quốc hội tại kỳ họp này dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thuỷ lợi đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung; chỉ đạo quy hoạch, xây dựng đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam và từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang có tính tới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường" để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa XI).

Bảo vệ rừng hiệu quả chưa cao

Báo cáo do Phó Thủ tướng trình bày cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thí điểm điều tra, kiểm kê rừng tiến tới xây dựng dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc. Thực hiện chính sách hỗ trợ công tác trồng và bảo vệ rừng (ngân sách năm 2011 cấp 750 tỷ đồng, năm 2012 cấp 1.210 tỷ đồng), đề ra các giải pháp căn bản, lâu dài từng bước giải quyết nạn phá rừng, cháy rừng; tăng cường biên chế và trang thiết bị cho lực lượng kiểm lâm.

Báo cáo cho biết, thời gian tới sẽ tăng mức đầu tư hỗ trợ cho công tác trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là hỗ trợ cho đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và biên giới.

Về công tác bảo vệ rừng, trong 9 tháng đầu năm, đã phát hiện 20.669 vụ vi phạm hành chính (giảm 1.840 vụ so cùng kỳ năm 2011); đã khởi tố 290 vụ án hình sự, 244 bị can.

Tuy vậy, Báo cáo cũng thừa nhận, việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, cháy rừng, vi phạm pháp luật còn kém hiệu quả; đã xảy ra một số vụ phá rừng, chống lại kiểm lâm... gây bức xúc trong xã hội.

“Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng”, Báo cáo nhấn mạnh./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo