Lợi ích nhóm làm cản trở quá trình xử lý nợ xấu
Thúc giục xử lý nợ xấu
Các chuyên gia nhận định, vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng - rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam chưa được giải quyết, chưa có tiến triển đáng kể nào.
Diễn biến thực tế cho thấy, nợ xấu toàn hệ thống sẽ tăng lên do kinh tế còn khó khăn, doanh nghiệp chưa thể trả nợ ngân hàng. Tốc độ gia tăng nợ xấu trong những tháng qua là quá nhanh. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trung bình của khu vực ngân hàng hồi tháng 12/2010 là 2,16%; tháng 5/2011 là 2,37%; tháng 9/2011 là 3,31%; tháng 3/2012 là 3,6%; tháng 4/2012 là 4,14% và tháng 5/2012 là 10%.
Tại các phiên thảo luận ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đều cho rằng, nợ xấu cần phải được giải quyết thì mạch máu trên cơ thể kinh tế mới lưu thông tốt.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, giải quyết nợ xấu phải xác định là cứu nền kinh tế, chứ không phải cứu ngân hàng, hay cứu bất động sản. Cần phải làm minh bạch hệ thống tài chính – ngân hàng của Việt Nam, minh bạch doanh nghiệp, tốt xấu phải rõ ràng.
"Chỉ khi minh bạch thì mới góp phần tái cấu trúc ngân hàng thành công. Vì khi đó, chúng ta biết ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa. Doanh nghiệp cũng vậy, sẽ biết doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào cần giải thể, phá sản," đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Chính vì vậy, ngày 27/11/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại của tài sản bảo đảm, trích lập tối đa dự phòng rủi ro, tạo nguồn để xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro ngay trong năm 2012.
Văn bản này cũng đưa ra lời khuyên các ngân hàng nên căn cứ vào tình hình kinh doanh của mình mà điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 ở mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2012.
Không phải tự nhiên mà Ngân hàng Nhà nước lại ban hành văn bản này, chính các chuyên gia tài chính ngân hàng cũng đang rất lo lắng đối với vấn đề nợ xấu hiện nay.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: "Nợ xấu phải được xử lý ngay, chúng ta không có thời gian để chần chừ, vì theo tính toán của một số chuyên gia, trong đó có tôi, mỗi tháng, nợ xấu tăng 5 đến 8%. Nợ xấu là vấn đề của tuần, của ngày, chứ không phải của năm của tháng nữa". Ông Hiếu đưa ra ví dụ, tháng này là 100 tỷ đồng thì tháng sau đã là 108 tỷ đồng.
Mặc dù vấn đề nợ xấu ai cũng biết là cấp bách cần phải xử lý ngay nhưng theo các chuyên gia, vấn đề này chậm được xử lý là do liên quan đến "lợi ích nhóm."
Cản trở từ lợi ích nhóm
Chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận tại Quốc hội, qua thanh tra 27 tổ chức tín dụng trên toàn quốc, thấy có nhiều tổ chức tín dụng bị chi phối bởi một nhóm cổ đông, giữ chức danh lãnh đạo trong tổ chức tín dụng. Dư nợ cho vay nhóm cổ đông này chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng dư nợ, có lúc lên tới 90%, vi phạm nghiêm trọng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Thống đốc cũng thừa nhận chính dư nợ của các tổ chức tín dụng nằm trong một nhóm khách hàng lại liên quan đến bất động sản. Trong hoàn cảnh bất động sản còn đang đóng băng, "lợi ích nhóm" đã làm tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra triệt để để có biện pháp xử lý. Nếu chỉ vi phạm pháp luật về dân sự, kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thống nhất để các đối tượng có thể khắc phục những sai phạm của mình, làm sao để khôi phục lành mạnh tình trạng tài chính, để tiền của dân và Nhà nước được đảm bảo," Thống đốc nhấn mạnh.
Còn TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cũng tỏ ra lo ngại mối quan hệ sở hữu chằng chịt giữa các ngân hàng, "lợi ích nhóm." Vì nhiều ngân hàng, doanh nghiệp không minh bạch tài chính, nên cơ quan quản lý không thể xác định quy mô và chất lượng nợ xấu, ai đang thâu tóm và thao túng ngân hàng, mối quan hệ nào chi phối lợi ích…
Cũng cùng chung quan điểm trên, ông Hiếu cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu chậm trong thời gian qua là do đụng chạm tới nhóm lợi ích.
Ông Hiếu giải thích, các ngân hàng đã cho vay các bên liên quan rất nhiều và một tỷ trọng lớn nợ xấu thuộc về các bên liên quan đó. Do vậy, nếu mạnh tay xử lý nợ xấu có thể đưa đến những thiệt hại cho các bên liên quan, do vậy họ chính là một trong những lực cản trong xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu cũng gặp những “điểm nghẽn” khác như nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, nợ các bên liên quan của ngân hàng và nợ bất động sản. Đó là ba cấu phần lớn nhất trong xử lý nợ xấu, chúng ta phải tách rời ra và có phương án giải quyết cho từng khâu một.
Để giải quyết được "cục máu đông" này, ông Hiếu hiến kế, thứ nhất Chính phủ có thể phát hành trái phiếu và công ty xử lý nợ xấu có thể phát hành dưới bảo lãnh Chính phủ; hai là nguồn ngân sách; ba là từ các ngân hàng thương mại và bốn là từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Đối với phương án Công ty xử lý nợ xấu cần lượng tiền khoảng 5 tỷ USD, ông Hiếu cho rằng: “Chúng ta có thể không bắt buộc bỏ ra tất cả mà lúc đầu chỉ cần khoảng 1 đến 2 tỷ USD. Với ngân sách quốc gia như Việt Nam vào khoảng 120 tỷ USD thì khoản tiền ban đầu đó không phải là điều khó khăn.
Còn theo ông Lực, với tỷ lệ nợ xấu nhỏ (dưới mức 3%) thì ngân hàng có thể tự xử lý, mua bán nợ. Còn nợ xấu lớn hơn, cần có công ty mua bán nợ quốc gia mới xử lý được.
Rõ ràng, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng dù đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng sẽ khó có những bước tiến mới để tạo ra sự thay đổi thật sự cho ngành ngân hàng khi nợ xấu vẫn còn đó và chưa thể dứt điểm một sớm một chiều.
Đoàn Huế (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo