Xã hội

Lời nhắn không riêng gửi EVN

Vẫn nóng. Đó là cảm nhận quen thuộc từ những phiên chất vấn trực tiếp tại Quốc hội trong tuần qua.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chỉ có điều, sức nóng dường như chỉ đến từ các câu hỏi. Phần trả lời, như lời cựu đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trên tờ Tuổi Trẻ ngày 15/6, “nói nôm na theo ngôn ngữ bình dân thì các bộ trưởng trả lời rất chán”.

Còn theo nhận xét của một số vị đại biểu đương nhiệm, thì có câu hỏi được cả hai vị bộ trưởng cùng trả lời, mà cũng vẫn rất… chán.
 
Một trong số đó là chất vấn liên quan đến xử lý kết luận của Thanh tra về sai phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
Cũng cần phải nói thêm là không chỉ đến bây giờ, mà từ Quốc hội khóa 12, không ít vấn đề của doanh nghiệp nhà nước luôn trở đi trở lại ở nhiều phiên chất vấn. Và trong số những cái tên quen thuộc thì EVN có lẽ là quen thuộc nhất.
 
Kỳ họp này, ngay phiên chất vấn đầu tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã hỏi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về tiến độ xử lý những vi phạm của EVN trong việc đưa những chi phí về quản lý vận hành, về nhà ở, nhà biệt thự liền kề, chung cư cao tầng có bể bơi, sân tenis vào giá điện, sau 6 tháng có kết luận của Thủ tướng giao Bộ trưởng chủ trì rà soát.
 
Phần trả lời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đều khẳng định những chi phí khấu hao của nhà ở hay chi phí đầu tư công trình phục vụ cho mục đích phúc lợi đều không được tính khấu hao để đưa vào giá thành của điện.
 
“Chắc là tới đây, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo tiếp theo, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện tiếp”, Bộ trưởng cho biết.
 
“Chia lửa” cho Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho hay là sắp tới Thủ tướng quyết định theo đề xuất của Bộ Tài chính, và “liên bộ chúng tôi chấp hành, hiện nay chưa có tính gì vào giá thành điện”.
 
Thêm một lần đứng dậy, đại biểu Lê Thị Nga nói: “Qua Bộ trưởng Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của EVN, Bộ trưởng Bộ Tài chính là cơ quan quản lý của nhà nước giám sát về tài chính, xin gửi tới EVN - một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, là cử tri và đại biểu Quốc hội rất mong muốn EVN gương mẫu và đi đầu trong chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ cương tài chính công khai, minh bạch trong cách tính giá điện để làm gương cho các doanh nghiệp khác”.
 
Lời nhắn nhủ của đại biểu Nga nhận được sự chia sẻ của không ít vị đại diện cho dân.
 
Bởi, theo kết luận thanh tra thì tổng giá trị đầu tư xây dựng khu nhà ở và các cơ sở hạ tầng đi kèm ở 6 dự án nguồn điện của EVN lên tới 595.860.013.405 đồng.
 
“Toàn bộ chi phí cho việc xây dựng này được Bộ Công Thương, EVN xác định trong khoản mục khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa nằm trong tổng mức đầu tư của dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định” - trích nguyên văn kết luận thanh tra.
 
9 tháng sau khi thanh tra có kết luận, 6 tháng sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, đại biểu Quốc hội đã chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nay vị khác lại phải tiếp tục nêu vấn đề ở Quốc hội, vẫn chưa thể có đáp án cuối cùng.
 
Đó, chính là vì EVN đã không gương mẫu chấp hành pháp luật.
 
Sốt ruột hơn, khi đọc kỹ kết luận của Thanh tra thì EVN không chỉ nhập nhằng trong cách tính giá bán điện, mà còn không ít vi phạm khác. 
 
Như, đầu tư “tay trái” không đúng quy định và chưa mang lại hiệu quả kinh tế. Rồi hướng dẫn hạch toán chuyển nguồn vốn không đúng tại 11 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động, làm tăng chi phí cho sản xuất điện riêng trong năm 2011 tại 11 dự án này lên tới gần 224 tỷ đồng…
 
Rõ ràng, sự thiếu gương mẫu chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có EVN đã góp phần làm suy yếu tiềm lực quốc gia.
 
Chẳng phải vô cớ mà “ông nghị” Dương Trung Quốc nhận xét rằng, “nếu Vinashin và Vinalines không đổ vỡ thì chắc tương quan ngoài biển không như hiện nay”.
 
Và chiều 10/6 vừa qua, đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng đã không phải sốt ruột “truy” Bộ trưởng Bộ Tài chính về các khoản nợ của Vinashin, Vinalines, trong bối cảnh nợ công được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là đã “đe dọa an ninh tài chính”.
 
Hiến pháp mới khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo. Và các doanh nghiệp nhà nước như EVN vẫn đang giữ vị trí quan trọng của kinh tế nhà nước. Vậy nên, lời nhắn nhủ EVN hãy gương mẫu chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ cương tài chính của đại biểu Nga, có lẽ không chỉ dành riêng cho tập đoàn này, theo bình luận của một số vị đại biểu Quốc hội.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo