Lợi nhuận ngân hàng không cao như công bố
Qua theo dõi số liệu về kế toán tài chính của tổ chức tín dụng thì lợi nhuận sau thuế năm 2011 của cả hệ thống tổ chức tín dụng tăng 15,1% so với năm 2010, thấp hơn tốc độ tăng lợi nhuận của các năm trước, trong đó có gần 50% các tổ chức tín dụng có lợi nhuận giảm so với năm 2010. Thậm chí, có 10% số lượng các tổ chức tín dụng thua lỗ.
Cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hai chỉ số quan trọng nhất phản ánh hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của các tổ chức tín dụng là chỉ số ROA (lợi nhuận so với tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu) năm 2011 ở mức thấp hơn năm 2010: ROA đạt 1,09% và ROE đạt 11,86%, các chỉ số này của năm 2010 lần lượt là 1,29% và 14,56%.
Theo số liệu theo dõi của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thì số tuyệt đối và tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã liên tục tăng lên, đặc biệt là các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012.
Các khoản nợ được phân loại, trích lập dự phòng rủi ro mới chỉ bao gồm các khoản cấp tín dụng, trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... lại chưa được phân loại và trích lập dự phòng.
Chưa kể, trong bối cảnh thị trường bất động sản biến động mạnh và suy giảm liên tục trong thời gian qua, trong khi giá trị bảo đảm là bất động sản không được định giá lại dẫn đến việc trích lập dự phòng cho các khoản dư nợ cho vay có bảo đảm bằng bất động sản chưa sát với thực tế.
Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng hạch toán các khoản có tính chất cấp tín dụng vào các tài khoản khác, ví dụ tài khoản phải thu, mua trái phiếu doanh nghiệp và từ đó thực hiện việc trích lập dự phòng không đầy đủ... Những vấn đề trên đã góp phần làm cho số liệu lợi nhuận công bố của các tổ chức tín dụng chưa phản ánh đầy đủ và chính xác thực trạng kết quả kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định tới đây khi quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng, xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng được sửa đổi, những bất cập sẽ được khắc phục và loại bỏ, lúc đó số liệu về lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ được phản ánh đầy đủ và chính xác hơn.
Năm 2011 Vietcombank đạt lợi nhuận 5.700 tỷ đồng, tăng 4 so với năm 2010; Vietinbank lợi nhuận trước thuế 8.105 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2010; Eximbank đạt 4.065 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 71% so với thực hiện năm 2010; Sacombank đạt 2.728 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; VPBank đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 1.060 tỷ đồng; OceanBank đạt lợi nhuận trước thuế 640 tỷ đồng...
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
4 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn 'xanh'
Năm 2025, cơ chế giao tín dụng liệu thông thoáng hơn?
Còn nhiều yếu tố tiềm ẩn tác động làm tăng CPI năm 2025
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế