Lớp dạy sử độc đáo của ông Năm
Hình thức dạy của ông cũng độc đáo: dạy bằng bài hát theo chủ đề tháng!
Tiếng đồn về ông Năm dạy ca hát, dạy sử miễn phí lan rộng khắp vùng quê khiến chẳng những nhiều bậc cha mẹ ở tại xã Bình Thành mà ở xã lân cận cũng hồ hởi đến xin cho con em vào học. Vì vậy sĩ số lớp luôn duy trì ổn định ở mức 30-70 em, đủ cả độ tuổi từ 5-15, thậm chí có trẻ 4 tuổi cũng theo anh chị mình đến lớp.
“Con, ông Năm ơi!”
Sáng chủ nhật, có trên 30 trẻ với đủ lứa tuổi từ 5-15 háo hức, rộn rã đến nhà ông học. Các em ngồi thành hàng bên chái nhà. Ông ngồi ôm cây đàn mandolin điện đàn bản Nam bộ kháng chiến.
Em nào thuộc bài hát thì vừa vỗ tay vừa hát theo điệu nhạc. Còn ai mới vô chưa thuộc thì cầm giấy hát. Thỉnh thoảng ông ngưng lại chỉnh sửa khi các em hát sai nhịp. Những âm thanh trong trẻo hòa cùng tiếng đàn làm lao xao cả một vùng quê...
Xong phần ôn bài hát, ông tiếp theo phần kiểm tra miệng. Ông treo trên cành mai mấy chục lá thăm. Mỗi lá là bài hát hoặc câu đố về lịch sử. Ông vừa dứt câu hỏi: “Ai xung phong đầu tiên?”, hàng loạt cánh tay giơ lên, nhao nhao: “Con, ông Năm ơi!”.
Em Lê Kim Nên cười sung sướng khi được ông chỉ lên bốc thăm trúng ngay câu hỏi: “Em hãy hát bài Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”. Cả lớp học ồ lên giá như mình bắt được câu này khi thấy người chiến thắng cười tươi về chỗ ngồi với phần thưởng nóng là ba quyển tập mới toanh được ông trao tặng sau khi hát trọn bài hát.
Đến phiên em Trương Hoài Vũ bắt trúng câu hỏi: “Đoàn viên đầu tiên của nước ta là ai?”. Vũ vội vã: “Dạ, Kim Đồng” khiến ông bật cười xoa đầu mắng yêu: “Nhóc con có nhiêu cũng quên. Đoàn viên chứ đâu phải đội viên...”.
Còn bọn trẻ xuýt xoa, hàng chục cánh tay giơ lên: “Cho con trả lời câu này đi, ông Năm...”. Biết mình trả lời sai nên Vũ vội đính chính: “Dạ, Lý Tự Trọng ạ!”. Nghe vậy, ông gật đầu: “Thôi, thưởng an ủi cho con một quyển tập nè”.
Em Lưu Thị Yến Nhi bắt câu hỏi mang tính thời sự: “Em hãy cho biết các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của nước nào? Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng biển nước ta ngày tháng năm nào? Rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi nước ta vào ngày tháng mấy? Em nghĩ gì về việc làm của Trung Quốc?”.
Nhi dõng dạc trả lời: “Dạ, thưa ông Năm. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ta. Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta ngày 2-5-2014. Rút giàn khoan ra khỏi nước ta ngày 16-7-2014. Việc làm của Trung Quốc như vậy là sai trái, bị nước ta và nhiều nước trên thế giới phản đối”.
Tiếng vỗ tay vang lên rần rần. Ông gật đầu khen kèm theo đó là phần thưởng gồm bốn quyển tập, trong đó có một quyển được ông tặng thêm vì giải đáp rất rành rọt.
Và 200 quyển tập được mạnh thường quân hỗ trợ ông làm quà thưởng cho trẻ thoáng cái vèo hết sạch. Xong ông chuyển sang dạy bài hát mới, uốn các em theo từng nốt nhạc... Buổi học chấm dứt, nhiều trẻ vẫn còn tiếc rẻ cứ nấn ná không chịu về...
17 năm dạy sử miễn phí
Xuất thân từ quân đội, sau khi về hưu ông Thanh gắn với công việc đồng áng, ruộng vườn. Ông nhớ lại 17 năm trước, thấy bọn trẻ quê thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ từ sân chơi đến truyện sách. Cạnh đó thấy trẻ hiểu về lịch sử rất mù mờ nên ông Sáu Quý - một cán bộ về hưu - rủ ông Thanh mở lớp dạy sử khá độc đáo thông qua dạy các bài hát.
Trước tiên hai ông tập hợp bọn trẻ lại dạy những bài hát lịch sử cách mạng để qua đó giảng sơ lược giai đoạn lịch sử hào hùng đó. Lớp học mở được một năm thì ông Sáu mất. Còn lại một mình, ông Thanh vẫn bền bỉ duy trì đến nay.
Mỗi tuần, ông dạy ngày chủ nhật. Riêng những tháng hè, ông dạy tuần ba buổi. Mỗi buổi kéo dài ba giờ, trong đó ông dành một giờ ôn lại bài hát cũ, trả lời những câu đố ngắn về lịch sử nhằm ôn lại những kiến thức cũ. Thời gian còn lại, ông dạy bài hát mới và giảng những kiến thức lịch sử mới.
Ông dạy sử theo chủ đề, chẳng hạn trong tháng có sự kiện, cột mốc nào quan trọng, ông lấy đó làm tiêu điểm xoáy vào. Như trong tháng 3 có ngày thành lập Đoàn nên chủ đề sẽ tập trung về Đoàn, những mẩu chuyện như gương anh Lý Tự Trọng, rồi sau đó ông sẽ dạy những bài hát Lên đàng, Noi gương anh Lý Tự Trọng...
Tháng 6 có Ngày quốc tế thiếu nhi, ông dạy trẻ biết về những quyền trẻ em, đồng thời kể những gương hiếu thảo, gương hiếu học và những bài hát Trái đất này là của chúng mình, Bàn tay mẹ...
Tháng 9, ông nói về ý nghĩa thời khắc trọng đại của dân tộc khi Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Rồi ông giảng rộng ra thêm về bài thơ Nam quốc sơn hà, bài Cáo bình Ngô... Cứ vậy, 12 tháng tương ứng 12 chủ đề.
Ngoài ra lịch sử tỉnh nhà Hậu Giang cũng được ông giảng thành bài riêng, chẳng hạn lịch sử hình thành tỉnh Hậu Giang, rồi xã Bình Thành có bao nhiêu liệt sĩ, có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Không chỉ dạy trẻ hát những bài hát cách mạng truyền thống, lịch sử nước nhà, ông còn tổ chức vui chơi cho trẻ vào những ngày lễ, ông bảo: “Trẻ vùng quê thiếu thốn đủ bề. Vì vậy chú thỉnh thoảng tổ chức vui chơi để bù đắp cho các cháu phần nào thiệt thòi đó”.
Chẳng hạn ngày 1-6, ông cho các em thả sức nô đùa với đủ trò chơi dân gian như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, cờ lau tập trận...
Trung thu, ông tổ chức sân khấu ngay tại sân nhà mình rồi cho các em rước đèn tưng bừng với các tiết mục toàn cây nhà lá vườn mà các em sẽ là nhân vật chính: các em sẽ trình diễn những bài hát ông đã dạy, thi hái hoa dân chủ cũng là những câu hỏi về kiến thức lịch sử mà các em đã học...
Cạnh đó ông còn bỏ tiền túi và vận động mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí dẫn lũ trẻ đi tham quan bảo tàng, đền thờ Bác Hồ hay khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Hậu Giang... để lũ trẻ biết về lịch sử tỉnh nhà.
Cứ vậy, 17 năm qua với cách dạy vừa học vừa chơi ấy, ông đã dùng hết tâm sức để truyền niềm đam mê học sử một cách nhẹ nhàng đến nhiều thế hệ trẻ vùng quê, giúp trẻ yêu mến và tự hào về lịch sử nước nhà. Nhiều em theo ông học đến 6-7 năm.
Cứ đến mùa thi học kỳ, nhà ông lúc nào cũng có học sinh THCS, THPT đến nhờ ông giảng chuyên sâu để chuẩn bị bài thi tốt hơn. Niềm đam mê yêu thích môn sử đã khiến một số em chọn khối C, rồi đậu đại học như Nguyễn Thanh Phương, Lê Ngọc Tùng...
Hoặc như em Phạm Thị Mỹ Anh, học sinh lớp 9 Trường phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, người có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi của trường với điểm số môn sử ngất ngưởng 10 phẩy trong suốt những năm THCS.
Mỹ Anh thổ lộ: “Em đến nhà ông Năm học sử từ năm lớp 1 đến cuối năm lớp 7. Nhờ ông dạy những kiến thức nền tảng mà em mới có thể đào sâu môn học này hơn qua sách vở, báo chí...”. Rồi Mỹ Anh khẳng định: “Sau này em sẽ thi vào sư phạm môn sử...”.
Học lịch sử là học cách làm người. Sống sao cho xứng đáng với cha ông. Trẻ thơ như tờ giấy trắng, mọi lời nói ra trong tầm tai nghe đều có chiều hướng tạo ra tính cách, suy nghĩ của các cháu.
Vì vậy dạy sử, ngoài việc giúp các cháu có kiến thức lịch sử còn phải giáo dục lòng yêu cha mẹ, quê hương, đất nước...
Ông Năm Thanh
Bà Nguyễn Thị Cúc - trưởng Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - tâm sự:
“Lớp dạy sử của chú Thanh thu hút rất nhiều trẻ em vì chú có phương pháp dạy rất thú vị. Chú đã tạo sân chơi để các em vừa học vừa chơi, nhất là vào những tháng hè. Phòng Giáo dục - đào tạo huyện rất ủng hộ việc làm của chú như vừa mới tặng chú cây đàn organ. Hướng tới phòng sẽ phối hợp với hội khuyến học phát học bổng, tặng tập vở cho những học sinh có hoàn cảnh nghèo, khó khăn trong lớp học của chú Thanh”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo