Xã hội

Lũ dữ qua đi, nguy cơ còn đó

Ngày 31/7, mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống tỉnh Quảng Ninh, khiến cho công tác khắc phục hậu quả mưa lũ hết sức khó khăn. Mặc dù ngành chức năng đã nỗ lực hết mình nhưng với diễn biến phức tạp của thời tiết thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ.

Dồn sức cứu đập 790 ngăn thảm họa

Sau nhiều ngày mưa lớn, vùng trũng của bãi xả thải thuộc Công ty Than cọc 6, tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) đã trở thành nơi trữ nước và bùn thải rất lớn. 

Ngày 31/7, TP Cẩm Phả tiếp tục có mưa lớn, khiến đập nước 790 chịu áp lực rất lớn từ bãi thải Đông Cao Sơn, thuộc mỏ than Cao Sơn dồn xuống. Để phòng chống nguy cơ vỡ đập chắn, lực lượng chức năng phường Mông Dương đã huy động công nhân nâng cao đập, nắn dòng nước để không ảnh hưởng đến các hộ dân phía dưới.

Dù mưa to, nhưng lực lượng bộ đội và các lực lượng cứu hộ tiếp tục đắp 3 vòng bờ chắn bằng bao tải cát. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến nơi khác.

Hiện tại, hơn 200 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm đã được sơ tán. Trong khi đó, tại khu vực đập 790 trên khu vực bãi thải Cọc 6, nước và bùn đất từ khu vực lòng hồ dưới bãi thải vẫn tràn qua mặt đập bê tông xuống khu dân cư, khiến hàng trăm nhà bị vùi lấp trong bùn thải. 

Ghi nhận tại hiện trường, trên mặt đập, hàng trăm người cùng nhiều máy móc đang khẩn trương làm việc gia cố mặt kè. Công ty CP than Mông Dương cũng đã huy động các lực lượng nạo vét bùn đất tràn xuống từ trên núi.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam cho biết, bằng mọi giá phải giữ mỏ Mông Dương ở mức -97,5 để đảm bảo an toàn.

Ông Phạm Ngọc Lự - Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương cho biết, để khắc phục sự cố sạt lở, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các công ty than phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khắc phục sạt lở đất đá tại bãi thải và đến nay cơ bản đã đảm bảo.

Đưa hơn 1.000 du khách từ Cô Tô về đất liền

Bắt đầu từ 6 giờ  sáng 31/7, các tàu vận tải đã tiến hành công tác đưa hành khách mắc kẹt ở Cô Tô lên tàu. Tuy nhiên do mực nước tại cảng Cô Tô xuống thấp nên tàu không thể cập cảng mà phải đón từ xa, du khách phải di chuyển rất vất vả trong trong điều kiện mưa to, sóng mạnh.
Đến khoảng hơn 11h trưa cùng ngày, tàu khách do tỉnh Quảng Ninh bố trí đã tiếp cận được với tàu hải quân 634 tại vùng biển Cửa Đối và bắt đầu công tác di chuyển hành khách sang.

Sóng gió lớn kèm mưa lớn nên du khách một lần nữa phải chật vật di chuyển sang tàu khách. Tại cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ninh đã thăm hỏi và tặng quà khách du lịch được tàu của Lữ đoàn 170 đưa về bến an toàn, mỗi suất quà trị giá 200 ngàn đồng. Toàn bộ khách khi cập cảng tùy theo nhu cầu sẽ được tạo điều kiện di chuyển về bến xe Cẩm Phả trở về gia đình.

Trong ngày 31/7, lực lượng chức năng đã đưa được hơn 800 người từ đảo Cô Tô về đất liền. Như vậy, tính đến thời điểm 18 giờ ngày 31-7, tàu hải quân đã đưa được 1.075 du khách từ Cô Tô về đất liền an toàn.

Theo kế hoạch, trong ngày 1/8, toàn bộ du khách mắc kẹt tại Cô Tô sẽ được đưa vào đất liền.

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, trận mưa lũ tại Quảng Ninh đã gây thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng, riêng tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/7, đã có 17 người chết do mưa lũ; 5.700 căn nhà bị ngập lụt từ 1 mét trở lên; đã di dời đến nơi an toàn 1.737 hộ; các tuyến đường giao thông như quốc lộ 18A, 18B, 18C, 297, một số tỉnh lộ và tuyến đường thủy nội địa và nhiều tuyến đê kè bị ngập lụt, sạt lở, ước thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng.
Tại cuộc họp bàn về việc tiếp tục ứng phó với mưa lũ tổ chức ngày 31/7, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá, đây là một đợt mưa đặc biệt lớn trên địa bàn tỉnh. Công tác chỉ đạo ứng phó với mưa lớn quyết liệt, kịp thời, công tác cứu hộ, cứu nạn, kịp thời tiếp cận được với những vùng ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng nên đã giảm những thiệt hại về người và tài sản. Mặc dù có dự báo trước của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương nhưng vẫn không tránh khỏi những thiệt hại.

Theo dự báo, trong những ngày tới thời tiết tiếp tục có mưa, nên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tập trung thường trực 24/24 giờ, theo dõi sát sao diễn biến tình hình thời tiết; Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống thiên tai, ý thức tự bảo vệ, tự cứu mình, tránh chủ quan. Các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng tập trung bảo vệ an toàn cho các hộ dân trong khu vực di dân. Đảm bảo an toàn các bãi thải, những khu vực có nguy cơ sạt lở; tập trung rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đặc biệt là các khu nhà tạm, nhà xây cho người lao động thuê. Tập trung đảm bảo an toàn cho các hồ, đập trên địa bàn; Củng cố lại phương án cứu hộ tại chỗ.

Riêng đối với công tác khắc phục sự cố Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, cần tiếp tục hỗ trợ các hộ dân hiện đang di dân đến khu vực ở tạm. Địa phương cần thực hiện ngay hỗ trợ kinh phí tạm cư cho người dân và có phương án quy hoạch, sắp xếp khu định cư mới cho người dân.

Cần đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có việc di chuyển du khách từ Cô Tô vào đất liền không được phép lấy tiền của du khách. Về đến Cẩm Phả, nếu du khách hết kinh phí, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi du khách 200.000 đồng. Ngành Than cần tập trung khắc phục sự cố, khôi phục sản xuất; tập trung cho an toàn các bãi thải. 

Ông Phạm Văn Điệt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay khi mưa lớn xảy, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã tập trung phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong khu vực tiềm ẩn nguy hiểm di dời đến nơi an toàn.

Trước những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ kéo dài gây ra, MTTQ  đã phối hợp với các ngành, địa phương nắm tình hình các địa bàn có người bị nạn, những nơi bị thiệt hại về nhà cửa để hỗ trợ kịp thờiđồng thời để có phương án hỗ trợ lâu dài cho các hộ bị thiệt hại.

Ngay trong ngày 27/7, UB MTTQ tỉnh đã kịp thời tổ chức cứu trợ cho TP. Hạ Long và TP Cẩm Phả, mỗi địa phương 150 triệu đồng. Hiện Uỷ ban MTTQ tỉnh - Ban Cứu trợ tỉnh thường trực tiếp nhận các nguồn ủng hộ cứu trợ của các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Cho đến thời điểm hiện tại, số tiền cứu trợ thực tế Uỷ ban MTTQ tỉnh tiếp nhận là trên 4 tỷ đồng.

MTTQ tỉnh tiếp tục chỉ đạo MTTQ các địa phương phối hợp với các đoàn thể, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại thực tế trong dân cả về nhà ở, sản xuất, tài sản… để hỗ trợ một phần cho nhân dân khắc phục những thiệt hại từ nguồn Quỹ Cứu trợ của tỉnh đã vận động được.

Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo