Lũ quét ở Sơn La, Yên Bái: Người dân liều mình đi vớt "lộc trời"
Tính đến thời điểm này tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái mưa lũ đã làm 33 người chết và mất tích; 12 người bị thương; hơn 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi; nhiều công trình trường học, trạm y tế, cầu cống, đường giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng hoàn toàn.
Việc chỉ trong "tích tắc" lũ đã cướp đi mạng sống của mấy chục người là nỗi đau quá lớn đối với nhiều gia đình đồng bào ở Tây Bắc không biết bao giờ mới nguôi ngoai. Còn hiện các tuyến đường quốc lộ 12, 279B, 4H qua tỉnh Điện Biên và quốc lộ 32 qua tỉnh Yên Bái bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại Lai Châu nhiều tuyến giao thông nông thôn vẫn đang tiếp tục sạt lở gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Hiện tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn đang bị cô lập hoàn toàn.
Nước lũ cũng làm thiệt hại nhiều công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt hệ, thống cáp quang; cuốn trôi nhiều gia súc gia cầm...Đến thời điểm này, con số thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh Tây Bắc chưa được thống kê đầy đủ, nhưng chỉ riêng tại 2 huyện Mường La, tỉnh Sơn La và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thiệt hại ước tính gần 650 tỷ đồng.
Chỉ sau 1 đêm lũ đã càn quét nhà cửa, tài sản của người dân tại 2 huyện này, nhiều hộ gia đình mất người thân, hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay, đối mặt với muôn vàn khó khăn, báo VOV đưa tin.
Tất cả còn lại sau trận lũ quét lịch sử tại thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái), biển hồ chứa nước thủy điện Mồ Dề (xã Mồ Dề, Mù Cang Chải) thành hồ gỗ, củi. Nhiều khúc gỗ, củi đủ chủng loại, kích thước được dòng chảy tập kết về hồ chứa nước này.
Dường như cố gắng vớt vát lại được phần nào những gì đã mất, người dân bất chấp nguy hiểm của dòng nước chảy xiết, người dân ở các xã thuộc huyện Mù Cang Chải đã kéo nhau về đây kết bè để vớt gỗ, củi. Theo quan sát của PV Dân Việt, ngoài những người lớn tuổi thì nhiều trẻ em cũng “liều mạng” tham gia công việc.
Người dân dầm mình trong dòng lũ để cố gắng vớt "lộc trời" khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Việc vớt gỗ tập kết lại với mục đích tích trữ nhiên liệu cho mùa đông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo