Pháp luật

Lừa hàng chục tỷ bằng dự án trồng rừng

Trong vai Trưởng ban quản lý dự án trồng rừng “phủ xanh đồi trọc” của một tổ chức phi chính phủ, Nguyễn Thị Minh (tức Minh “trầu”, SN 1978, trú xã Tân Đức, Hàm Tân, Bình Thuận) đã lừa đảo hàng chục tỷ đồng thông qua hình thức thu gom sổ đỏ chờ giải ngân. Hàng nghìn nông dân khắp cả nước đã lâm cảnh màn trời chiếu đất, trốn nợ khắp nơi.

 Chân dung các trưởng ban quản lý... “nổ”


Từ năm 2008, xuất hiện cơn lốc thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên cả nước. Một nhóm đối tượng tự giới thiệu có khả năng xin được vốn tài trợ không hoàn lại của tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nguyễn Phước (SN 1967, HKTT: 122 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), Giám đốc Công ty TNHH Phước Thịnh tự xưng là trưởng ban quản lý. Đi đâu Phước cũng bảo dự án này là của Chính phủ, đứng đầu là một đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa muốn ra mặt, đứng ra để quản lý và tổ chức giải ngân. Mức hỗ trợ cho mỗi hécta (ha) rừng là 25 đến 30 triệu đồng.

Những người môi giới được hưởng từ 200 đến 500 ngàn đồng/ha. Hồ sơ, thủ tục xin vốn đơn giản, không phải thông qua cơ quan chức năng nào xét duyệt cả. Thời hạn giải ngân thì nhanh, chỉ từ ba đến sáu tháng là có tiền về. Điều kiện tham gia dự án là người dân phải có sổ đỏ, sổ lâm bạ để chứng minh diện tích rừng. Phước yêu cầu những người không có sổ đỏ phải đưa tiền cho người của ban quản lý để mua sổ đỏ hộ.

Chúng lại dùng chính những quyển sổ đỏ thu được để quay vòng, bán cho những người không có sổ đỏ nhưng muốn mua diện tích rừng theo sổ đỏ để được tham gia dự án. Muốn lấy lại sổ đỏ của chính mình cũng phải nộp cho bọn chúng khoảng 30 triệu đồng (trên 100ha rừng) gọi là chi phí đi rút hồ sơ. Với thủ đoạn đó, Phước đã gom được khoảng 100.000 sổ đỏ, lâm bạ của dân. 

“Đánh hơi” Phước thu gom được 25 thùng sổ đỏ nhưng chỉ biết đem gửi vào... ngân hàng chờ được tổ chức phi chính phủ nào đó giải ngân, Minh “trầu” đã vào cuộc. Minh nói rằng, mình chính là đại diện duy nhất của Ban quản lý dự án. Dù thu gom được một đống sổ đỏ như thế, nhưng quả thực Nguyễn Phước chẳng biết mặt mũi Ban quản lý ở đâu.

Thời điểm này, Nguyễn Phước cũng đang nợ nhiều người, thấy Minh “trầu” ba hoa vậy, tưởng đã gặp được mối chuẩn, y lập tức chuyển giao hết các thùng sổ đỏ thu gom được cho Minh. Phước cũng tự nguyện trở thành một tay chân bên dưới của Minh, Minh sai gì thì răm rắp làm theo. Cũng với thủ đoạn như Phước, Minh đã gom thêm được rất nhiều sổ đỏ khắp đất nước.

Chiêu trò của “nữ quái”

Khi đã gom được rất nhiều sổ đỏ và tiền, Minh bắt đầu đánh bóng tên tuổi để củng cố lòng tin. Giữa năm 2013, Minh và Nguyễn Phước tổ chức hội nghị khách hàng “hoành tráng” tại một khách sạn trên đường Võ Văn Tần (TP.Hồ Chí Minh). Bọn chúng cho mời khoảng 300 người ở 63 tỉnh, thành là đại diện các cá nhân, doanh nghiệp tham gia các dự án trồng rừng có nhu cầu tham gia dự án của chúng.

Để mọi chuyện như thật, Minh yêu cầu mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ (gồm ảnh 3x4, ảnh 10x15, CMND, hộ khẩu...), rồi phân chia tổ, nhóm (mỗi nhóm 10-12 người). Tại hội nghị này, bọn Minh còn thuê một người ăn mặc lịch sự, nói giọng miền Nam, ngồi ở bàn danh dự và giới thiệu là lãnh đạo Trung ương, theo dõi dự án. Rồi chúng tổ chức quay phim, chụp ảnh, ăn uống linh đình. Cả Phước và Minh đều tha hồ “chém”, hứa sẽ cố gắng giải ngân sớm để đưa mọi người ít nhất trở lại trạng thái ban đầu (trả hết nợ nần). 

Đầu tiên, Minh tìm gọi những người từng bị mất tiền, theo đuổi việc giải ngân dự án rừng trước đây, nói rằng thị mới chính thức là Ban quản lý duy nhất ở Việt Nam, việc giải ngân chỉ là nay mai. Nhưng muốn được giải ngân, Minh yêu cầu những người này đưa tiền “bôi trơn” cho lãnh đạo cấp trên từ 100 - 200 triệu đồng. Đến gần ngày hứa sẽ giải ngân, Minh lại nói với các nạn nhân là còn thiếu một số diện tích rừng nữa mới giải ngân được.

Vì thế, các bị hại phải lo tiền để đi mua thêm số sổ đỏ cho đủ diện tích rừng còn thiếu. Thế là, khi đã dốc hết tiền, các bị hại tiếp tục rủ rê người nhà, người quen, thậm chí đi vay “nóng” bên ngoài để cùng Minh đi thu gom sổ đỏ. Sở dĩ họ phải đi cùng Minh, vì thị nói phải mua sổ đỏ diện tích rừng đúng với địa điểm mà Ban quản lý yêu cầu. Minh dẫn các bị hại đi khắp nơi, từ Nam ra Bắc để mua gom sổ đỏ.

Nhưng tại các điểm này, thị cho người của mình đóng giả người bán sổ đỏ, lấy một phần sổ đỏ của Nguyễn Phước cho vào bao tải bán lại cho các bị hại. Với chiêu này, Minh lừa được rất nhiều tiền. Theo thống kê, có người bị lừa nhiều nhất lên đến 6 tỷ đồng. Anh Phạm Thế H. trú tại Tuyên Quang, bị Minh và đồng bọn dẫn dắt đi mua sổ đỏ ở Hải Dương, rồi nộp tiền “bôi trơn”, tính đến ngày 29-5-2013 đã mất 1,5 tỷ đồng.

Đền tội

Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Phước

Ngay khi nhận được trình báo của nhiều nạn nhân, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Cục Cảnh sát hình sự đã xác minh. Kết quả xác minh, cùng với kết quả làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng, Cơ quan CSĐT khẳng định từ năm 2008 đến nay, không có bất kỳ dự án nào có nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài cho dự án phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Ngày 18-6, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an bắt khẩn cấp Nguyễn Phước khi đối tượng đang lẩn trốn tại tỉnh Quảng Nam. Tại thời điểm bị bắt, Phước đã gom được 25 thùng, 100.000 sổ đỏ tại 22 tỉnh, thành. 

Ngay khi Nguyễn Phước bị bắt, ở bên ngoài, Minh “trầu” vẫn trấn an các nạn nhân rằng công an chỉ giữ Phước vài ngày để bảo vệ việc giải ngân cho Phước. Ai đến cơ quan công an có ý định tố cáo, thị sẽ biết ngay và sẽ không cho vào danh sách được nhận tiền giải ngân trong tuần tới. Câu cửa miệng của Minh “trầu” vẫn là 15 - 20 ngày nữa sẽ được giải ngân.

Có lần, Minh tung tin rằng tiền giải ngân đã được vận chuyển bằng đường biển về đến Đà Nẵng, mọi người chuẩn bị vào Đà Nẵng nhận tiền. Rồi có lần, khi bị mọi người thúc ép quá, Minh giả vờ bảo cô cháu ở Hà Nội gọi điện vào báo Minh có giấy báo của Ngân hàng quân đội là tiền giải ngân đã về, nhưng phải cần thêm một số thủ tục, giấy tờ nữa...

Thế nên, khi Minh yêu cầu nộp thêm tiền để cho kịp tiến độ giải ngân, nhiều người đã nhắm mắt vay nóng của dân “tín dụng đen”. Nhưng việc giải ngân chỉ là trò bịp bợm của Minh nên thời gian cứ kéo dài, lãi mẹ đẻ lãi con, nhiều người phải bỏ trốn vì bị bọn chủ nợ truy đuổi. 

Ngày 22-9, Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ Nguyễn Thị Minh và Nguyễn Thị Anh (SN 1990, trú xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố hai đối tượng về tội danh trên.

Theo Công an TP.HCM
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo