Pháp luật

Luật còn kẽ hở khó chặn hàng lậu, hàng giả

Mặc dù lực lượng chức năng Hà Nội đã đẩy mạnh buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, tuy nhiên trong quá trình đầu tranh, ngăn chặn các hoạt động này lực lượng chức năng gặp không ít vướng mắc về mặt pháp luật. Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tổng kết hoạt động năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 TP Hà Nội diễn ra ngày 28/1.

Nhiều vướng mắc về luật

 

Năm 2014, các lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra 43.144 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... qua đó xử lý: 20.902 vụ (tăng 126% so với năm 2013). Tuy nhiên tình hình buôn lậu, hàng giả trên địa bàn TP vẫn chưa giảm như mong muốn do chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở.

 

 

Đội liên ngành số 1 TP Hà Nội kiểm tra, thu giữ hàng không rõ nguồn gốc trên phố Đặng Tiến Đông.

 

 

Thực tế hoạt động này thời gian qua cho thấy, để qua mắt lực lượng chức năng, các chủ đầu nậu trên và trong nội địa có sự câu kết chặt chẽ, tạo thành các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu số lượng lớn. Bên cạnh đó, thủ đoạn sử dụng hóa đơn quay vòng, ghi giá trị hàng thấp khi nhập khẩu vẫn phổ biến... khiến hiệu quả xử lý bị hạn chế. Ông Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định: Luật còn nhiều kẽ hở nên trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả lực lượng công an gặp không ít vướng mắc. "Hiện mỗi hộ dân khu vực biên giới được mua lượng hàng hóa trị giá 2 triệu đồng/ngày, điều này đã tạo cơ hội cho dân đường biên xuất hóa đơn hợp thức hóa hàng lậu. Đồng thời các đối tượng đều đã mở sổ theo dõi việc nhập, bán hàng đẩy đủ, gây khó cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh, đấu tranh, xử lý", ông Chung cho biết.

 

Đồng tình với ý kiến này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên và nhiều đại biểu chỉ ra: Quy định của Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA không điều chỉnh đối tượng mua hàng, giá mua nên không xử lý được những đối tượng mua gom hóa đơn để hợp thức hóa hàng lậu. Hệ thống văn bản pháp luật của ngành nông nghiệp liên quan đến chống hàng giả, hàng kém chất lượng cũng không đồng bộ. Cụ thể: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm do kiểm soát viên thực hiện. Nhưng trên thực tế các cơ quan kiểm tra hiện nay chưa có ai được đào tạo, cấp chứng chỉ là kiểm soát viên chất lượng. Nhằm tăng cường công tác chống hàng giả, Chính phủ đã có Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Song Nghị định này lại chưa nêu trách nhiệm của DN có sản phẩm bị làm giả phải phối hợp với cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hàng giả như thế nào...

 

Tạo điều kiện cho lực lượng chức năng

 

Muốn đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả đòi hỏi trong thời gian tới Chính phủ nên rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác đấu tranh với các loại vi phạm này.

 

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ 389 TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu kiến nghị: Chính phủ nên sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư 60/2011/TTTL hướng dẫn chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng chặt chẽ hơn. Đối với hàng nhập khẩu trong quá trình lưu thông phải có hóa đơn chứng từ nhập khẩu, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường cũng như ghi thấp giá trị hàng hóa trên hóa đơn để đối phó với lực lượng chức năng; Xem xét, điều chỉnh tăng nặng mức xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại qua đó răn đe các đối tượng vi phạm.

 

Nhà nước nên  có cơ chế biểu dương, khen thưởng đối với những người cung cấp thông tin hoạt động buôn lậu, hàng giả cho các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, BCĐ 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh, TP tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng Hà Nội trong việc ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu ngay từ các cửa khẩu, từ đó hạn chế hàng lậu xuất hiện trên thị trường Hà Nội.

 

Trước kiến nghị của các lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ 389 T.Ư khẳng định: Trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiến hành rà soát, bổ sung các quy định xử lý hàng lậu, hàng giả qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng xây dựng phương án phòng, chống ngay từ khu vực biên giới. Trước những kiến nghị sửa đổi Thông tư 60/2011/TTL của các lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính - Công Thương - Công an sửa đổi theo hướng tịch thu cả phương tiện vận tải hàng lậu. Đồng thời cơ quan tố tụng cũng phải tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trong việc xử lý những đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hà Nội là địa phương đi đầu trong công tác chống hàng lậu, hàng giả, tuy nhiên BCĐ 389 Hà Nội trong thời gian tới, nhất là trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán sắp tới, cần đẩy mạnh việc kiểm tra các chợ đầu mối, bến tầu xe, sân bay nơi phát tán hàng lậu, hàng giả; Tăng cường tuyên truyền tuyên truyền tác hại của những loại hàng này tới người tiêu dùng; Có cơ chế khen thưởng những người dân đã cung cấp thông tin hàng lậu, hàng giả cho lực lượng chức năng.

 

Theo Kinh tế và Đô thị
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo