Pháp luật

Luật Đầu tư công tiếp tục được xây dựng

Đầu tư nhà nước hiện chiếm 40% tổng đầu tư xã hội, có năm, chiếm đến 60%. Không thể phủ nhận việc nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, đầu tư công ở nước ta còn dàn trải, phân tán. Nhằm khắc phục tình trạng này, sau một thời gian trì hoãn, nay, dự án Luật Đầu tư công tiếp tục được xây dựng.

 

Hiệu quả thấp do thiếu luật
 

Chưa có công cụ quản lý, kiểm soát thật sự hiệu quả, đầu tư công bị chia cắt, thiếu thống nhất gây phân tán nguồn vốn. Thực tế đó dẫn đến nguy cơ tăng nhanh công nợ, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài. Đây cũng là lỗ hổng gây thất thoát.


Thống kê sơ bộ cho thấy, khoảng 1.600 văn bản pháp luật hiện có liên quan đến đầu tư, đặc biệt là đầu tư công chưa đủ để điều chỉnh toàn diện hoạt động này một khi vẫn chưa xác định được thế nào là đầu tư công do Nhà nước thực hiện, chưa đảm bảo sự rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Hoạt động đầu tư công vì thế vẫn thiếu các chế tài cụ thể để đảm bảo chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư.


Hiện có 4 quan điểm khác nhau về đầu tư công, trong đó, có ý kiến cho rằng, đầu tư công là quá trình sử dụng nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào phát triển KT - XH. Có ý kiến lại cho rằng, đầu tư công là đầu tư của Nhà nước vì mục tiêu của chính sách công, hoặc phục vụ lợi ích công cộng.
 
 
Cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư công là việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, hay nói cách khác là không vì mục tiêu kinh doanh. Và quan điểm nữa là, bất kỳ dự án nào được thực hiện bởi Nhà nước, đều là đầu tư công, không phân biệt nguồn vốn, mục đích đầu tư. 


Tổng hợp những luồng ý kiến trên, Dự thảo Luật Đầu tư công được soạn thảo theo quan điểm, đầu tư công là việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp...
 
 
Theo đó, Dự luật sẽ bao gồm những quy định về hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào những chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân liên quan đến đầu tư công và trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư công.

 
Không thể không công khai, minh bạch


TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, việc sử dụng vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, đối tượng đầu tư của Nhà nước rất dàn trải, chiếm tới khoảng 30% tổng số tín dụng và khoảng 45% tổng giá trị tài sản nhưng hiệu suất đầu tư quá thấp.
 
 
Trong đó một lượng vốn lớn lại được rót vào những ngành không phải lĩnh vực chính đã dẫn tới những hiện tượng Vinashin, Vinalines vừa qua. Do đó, phải đưa nội dung thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước quy định vào luật và coi đây là một phần nội dung quan trọng của luật.
 

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phân tích: Toàn bộ phần vốn đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước cần đưa vào điều chỉnh trong luật. Bởi chúng ta có 1.309 doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng 700.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và vay nợ tín dụng khoảng 415.000 tỷ đồng.
 
 
Bên cạnh đó, một biện pháp hữu hiệu để đầu tư công có hiệu quả và cần thể chế vào trong luật là, đổi mới tư duy về vai trò và chức năng của Nhà nước, thu hẹp phạm vi ngành, nghề và hoạt động đầu tư nhà nước; không cấp vốn đầu tư doanh nghiệp Nhà nước trong các ngành có thị trường cạnh tranh, các ngành không phải là công ích.
 

Một hệ thống Luật Đầu tư công theo hướng hiện đại và phù hợp thông lệ quốc tế, đồng thời sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư công như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước… là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Dự Luật mới cũng cần xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các dự án đầu tư công đã và đang thực hiện để rút kinh nghiệm, gần với thực tế hơn./.
 

4 lĩnh vực đầu tư công được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư công là: Các chương trình mục tiêu, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội; các dự án đầu tư không có điều kiện xã hội hóa; các chương trình, dự án phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp tổ chức chính trị - xã hội; các dự án đầu tư của cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; chương trình, mục tiêu dự án đầu tư công khai thác theo quyết định của Chính phủ.

 

 

 

Theo KTĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo