Luật Phá sản (sửa đổi) gây nhiều tranh cãi
Dự thảo luật lần này chỉ quy định phá sản đối với hai loại hình gồm doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX). Nội dung tranh luận gay gắt nhất nổ ra ở tiêu chí xác định khi nào DN lâm vào tình trạng phá sản.
Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH, phá sản là tình trạng của DN, HTX mất khả năng thanh toán và bị TAND ra quyết định tuyên bố phá sản. Ngoài ra, thời hạn để xác định DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ đến hạn theo dự thảo luật là tối đa 3 tháng. Hai nội dung này được đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ QH nhất trí, theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu tại hội trường.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng còn nhiều chỗ quy định bất cập, chưa rõ ràng. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói: “Phải chăng chúng ta đã chuyển đổi triết lý về luật Phá sản và tôi e rằng nó khác với các nước. Như vậy luật này sẽ dẫn đến như một số ĐB đã cảnh báo hoặc đơn từ nộp tràn lan, tòa án sẽ bị quá tải nhưng cuối cùng tiêu chí không rõ ràng, không giải quyết được. Tôi xin đề nghị chúng ta cân nhắc xem nếu như không gấp quá thì cũng không nên thông qua luật lần này”, ĐB Nghĩa đề nghị.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cũng cho rằng tiêu chí xác định DN, HTX mất khả năng thanh toán trong dự thảo còn khá chung chung, định tính, đồng thời chưa xác định khi đánh đồng tình trạng DN không thanh toán được nợ đến hạn với tình trạng DN, HTX bị mất khả năng thanh toán. Theo ĐB, thực tế hiện nay tình trạng mất cân đối dòng tiền, nợ lẫn nhau đang khá phổ biến trong các DN. Nếu áp dụng tiêu chí mất khả năng thanh toán như quy định trong dự thảo thì có đến hàng trăm ngàn DN, HTX sẽ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi đó hệ lụy đối với nền kinh tế sẽ vô cùng lớn. ĐB Tiến đề nghị: “Cần quy định tiêu chí xác định DN, HTX mất khả năng thanh toán trong dự thảo luật một cách chặt chẽ, cụ thể, chính xác hơn để đảm bảo áp dụng lâu dài”.
Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị các ĐB không nên quá lo lắng khi luật này ra đời sẽ bị lợi dụng đi kiện tụng, tuyên bố phá sản hay lo sợ phá sản nhiều quá. Bởi theo ông, nếu không sửa đổi theo luật này sẽ không giải quyết được thực tế là DN “chết mà không chôn được”. Luật này hoàn toàn không khuyến khích phá sản DN mà tiếp cận theo hướng làm sao giúp DN lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp bằng thủ tục phá sản.
Sau khi giải thích cặn kẽ hơn về tiêu chí xác định dựa trên dòng tiền chứ không phải tài sản, ĐB Trần Du Lịch đề nghị: “Chúng ta đang nói về dòng tiền, chứ chưa bàn tài sản, chưa định giá. Tôi chỉ tính khả năng trả nợ, chỗ này là chỗ mấu chốt. Tôi đề nghị cân nhắc 2 điểm đó và tôi có khác ĐB Trương Trọng Nghĩa là luật này cần thông qua kỳ họp này với một vài chỉnh sửa, không thể kéo dài hơn nữa”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá vàng thế giới ngày 27/12/2024: Tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lắng