Luật Phòng chống tác hại thuốc lá: Nhà quản lý và nhà sản xuất chưa thống nhất
Theo đại diện nhiều cơ quan chức năng, để chống tác hại của thuốc lá, việc quan trọng cần lập Quỹ về phòng chống tác hại thuốc lá và in cảnh báo tác hại của thuốc lá trên bao bì sản phẩm; giới hạn số lượng điếu trong mỗi bao thuốc... Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp lại cho rằng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cần tập trung xây dựng các khung pháp lý giảm thuốc lá nhập lậu.
Lập Quỹ để giảm tác hại của thuốc lá (?)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thụ, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, đến nay về cơ bản, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật, với tên gọi là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên một số nội dung như thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, in cảnh báo trên bao bì vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo đó, vấn đề thành lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá có hai ý kiến khác nhau. Quan điểm đồng tình cho rằng việc thành lập Quỹ sẽ tạo điều kiện để huy động nguồn lực cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá theo hướng xã hội hóa, đó là việc huy động sự đóng góp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá...
Bởi sản phẩm thuốc lá gây hại cho sức khỏe nên phải có trách nhiệm đóng góp cho các hoạt động nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá với sức khỏe, đồng thời việc thành lập Quỹ thể hiện cam kết chính trị của Nhà nước phòng chống tác hại thuốc lá.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi khẳng định, việc thành lập Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá là rất cần thiết và nên quy định là khoản bắt buộc. Nguồn quỹ này được sử dụng nhằm xây dựng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan không khói thuốc; tổ chức cai nghiện thuốc lá...
Song, ở góc độ đại diện của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Phạm Kiến Nghiệp cho rằng, không nên thành lập Quỹ và tạo nguồn kinh phí bằng giải pháp khác như nhiều quốc gia đã làm là sử dụng nguồn tài chính Nhà nước.
Hơn nữa, khi đóng góp nguồn tài chính bắt buộc cho người sử dụng thuốc lá, đề nghị xét đến bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt và vì sao ngành thuốc lá thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong trường hợp Quỹ là bắt buộc, ông Nghiệp cho rằng, nên tính theo bằng tỷ lệ phần trăm trên giá bao thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng thuế tiêu thụ đặc biệt (phương án 1).
Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc năm đầu, thực hiện Quỹ nên thu thêm 0,5%, sau đó xem xét nâng dần lên không quá 2%; đồng thời không tính thuế nhập khẩu đối với thuốc lá nhập khẩu vì thuế nhập khẩu ở nước ta là 135%, trong khi đó ở các nước láng giềng là 7% (Campuchia), 97 USD/500 bao (Lào).
Thực tế, thị phần thuốc lá phổ thông (có giá trị thấp) ở nước ta chiếm 70% (từ 4.000 – 5.000 đồng/bao), loại thuốc này chủ yếu được người lao động có thu nhập thấp sử dụng, khi tác động vào giá bán là đã ảnh hưởng đến kinh tế của người sử dụng và cả gia đình họ.
Hơn nữa, hiện nay toàn ngành có hơn 400 nhãn hiệu thuốc lá, giá sản phẩm phổ thông chỉ bằng 1/5 đến 1/8 giá sản phẩm thuốc lá cao cấp, người thu nhập cao dễ dàng lựa chọn sản phẩm cao cấp, người nghèo thì sử dụng sản phẩm cấp thấp.
Do đó không thể đóng góp Quỹ đồng đều như nhau. Nếu việc nộp quỹ được tính theo phương án mức tuyệt đối trên bao thuốc lá sẽ tạo điều kiện cho thuốc lá cao cấp ở nước ngoài có lợi thế cạnh tranh với thuốc lá phổ thông trong nước
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Phạm Tuấn Khải gợi ý, trong thời gian tới sẽ xây dựng các luật liên quan đến bảo vệ sức khỏe con người như Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia... nên chăng gọi quỹ này là Quỹ bảo vệ sức khỏe con người.
Nếu thành lập riêng một quỹ về phòng chống tác hại thuốc lá, về sau khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng xây dựng Quỹ của Luật này sẽ tạo sự chồng chéo không cần thiết.
In cảnh báo: Bao nhiêu là hợp lý?
Đa số các ý kiến đều đồng ý với quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất là 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá.
Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai cho rằng, theo quy định của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) chỉ yêu cầu mỗi bên tham gia Công ước phải bảo đảm không nhỏ hơn 30% diện tích trưng bày của bao thuốc và không quy định bắt buộc thực hiện ghi nhãn phần cảnh báo có diện tích 50% so với diện tích bao thuốc lá, cũng như không bắt buộc mà có thể in cảnh báo bằng chữ hoặc bằng hình ảnh.
Vì vậy, Dự thảo luật nên dừng lại ở quy định khung, tức là chỉ 30% và chỉ in cảnh báo bằng chữ hoặc bằng hình ảnh; đồng thời xây dựng lộ trình in cảnh báo sức khỏe cho phù hợp vì hiện nay Việt Nam chưa kiểm soát được tình trạng buôn bán thuốc lá lậu.
Liên quan đến vấn đề thay đổi định kỳ 2 năm/lần mẫu in cảnh báo sức khỏe, đại diện Tổng Công ty thuốc lá Khuất Kim Anh cho rằng, việc thay đổi này sẽ gây ra những tổn thất kinh tế lớn cho ngành sản xuất thuốc lá nội địa do phải liên tục thay đổi các trục in ống đồng nhãn bao, tút là những chi tiết máy móc thiết bị nhập ngoại có giá trị cao.
Ước tính toàn ngành có khoảng 300-400 mác thuốc, nếu định kỳ thay đổi mẫu in cảnh báo sức khỏe 2 năm/lần thì chi phí sẽ là khoảng 2 triệu USD/2năm/lần, đó là chưa bao gồm các tổn thất vỏ bao, tút thuốc tồn kho không sử dụng được.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo