Pháp luật

Luật sư của Dương Chí Dũng không biết đơn kháng cáo?

Ngày 30/12 TAND TP. Hà Nội đã nhận được 8 đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, tuy nhiên trong số đơn này lại chưa thấy có đơn của Dương Chí Dũng (?). PV Đất Việt đã liên hệ với Luật sư Trần Đình Triển (Đoàn luật sư TP. Hà Nội, một trong ba luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng) để tìm hiểu thông tin.

Ngày 31/12, chia sẻ thông tin, ông Triển cho biết: "Tôi chỉ biết ông Dũng gửi đơn kháng cáo rồi, còn Tòa nhận được hay không bản thân tôi cũng không biết việc đó". 

Theo lời ông Triển thì ông Dũng đã có đơn kháng cáo gửi từ trại giam B14 Bộ Công an lên tòa án. Việc nhanh hay chậm thì còn tùy thuộc vào trại tạm giam ông Dũng gửi đi thế nào, còn việc đến hay không đến bản thân ông Triển không thể biết được. 
 
Cũng chính vì thế mà ông Triển chưa được tiếp xúc với lá đơn của ông Dũng. Ông cho biết: "Tôi chưa hề được biết nội dung đơn kháng cáo của ông Dũng, bởi vì ông Dũng đang bị tạm giam mà chúng tôi là Luật sư hết thời gian sơ thẩm là hết nhiệm vụ rồi, khi nào chuyển hồ sơ lên Tòa tối cao, Tòa tuyên án là chúng tôi... hết nhiệm vụ!". 
 
Cho đến thời điểm, theo ông Triển thì Luật sư không thể vào gặp bị cáo, cũng không được tiếp xúc với hồ sơ. 
 
Tòa án chưa nhận được đơn kháng cáo của ông Dương Chí Dũng
 
Ông Triển nói về quy trình gửi đơn: "Từ khi có đơn kháng cáo chuyển lên Tòa tối cao, Tòa xử phúc thẩm, làm thủ tục, khi nào được cấp giấy chứng nhận chúng tôi mới được đọc hồ sơ, được vào gặp bị cáo trong trại".
 
Không những vậy, ông cũng cho biết: "Khoảng trống hơn 1 tháng này là lỗ hổng của pháp luật, không có ai gặp bị cáo cả, cái này đã có đơn kiến nghị để sửa Luật tố tụng, tình trạng này chưa sửa thì làm sao tôi đọc được hồ sơ mà nắm được nội dung đơn kháng cáo?".
 
Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin thì đơn kháng cáo của ông Dũng có nội dung là xin xem xét mức độ trách nhiệm trong việc buộc tội bị cáo "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Kêu oan về việc bị buộc tội Tham ô tài sản". 
 
Bên cạnh đó, ngày 26/12, cụ Trần Thị Hương (trú phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng), mẹ đẻ của ông Dương Chí Dũng đã gửi lá đơn gần kín hai mặt giấy A4 có tiêu đề "Đơn xin cứu xét" gửi đến các cơ quan báo chí. 
 
Cụ mong muốn cơ quan pháp luật xác định thêm những tình tiết quan trọng của vụ án mà con trai mình đã đề nghị trong phiên xử sơ thẩm. Cụ thể như ai là người đại diện Vinalines thỏa thuận việc mua ụ nổi 83M tại Nga hay ai đã thỏa thuận với công ty AP (môi giới) về khoản tiền "lại quả" 1,66 triệu USD. Cụ bà cũng mong muốn các cơ quan hành pháp chấp thuận đề nghị của ông Dũng được đối chất với giám đốc AP.
 
Kèm theo những lời mong mỏi: "Dù lúc này đây, trái tim tôi tưởng chừng như không còn đập được nữa, tôi vẫn có niềm tin rằng nhất định mong ước đó sẽ thành hiện thực".
 
Nói về đơn xin cứu xét của gia đình ông Dũng, Luật sư Triển chia sẻ: "Đây không phải đơn kêu oan mà đơn đề nghị xem lại về việc tội tham ô. Anh Dũng có chứng cứ khẳng định được việc mua bán ụ nổi có lịch sử từ ông Chủ tịch HĐQT trước và thông qua hội đồng quản trị, anh ấy chỉ ký thôi chứ anh ấy không biết ai từ phía Nga và Singapore cả, cho nên tại Tòa anh ấy đòi đề nghị đối chất với phía Nga và Singapore, làm rõ vụ việc này". 
 
Theo ông Triển, đây là yêu cầu chính đáng và gia đình mong phải làm rõ được việc đó ra, chứ không thể kết tội một cách áp đặt như vậy.
 
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 17/12, ông Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ GTVT) bị TAND Hà Nội kết án tử hình cho hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo Đất việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo