Pháp luật

Lúc là bình gas giả, lúc… không (?)

Doanh nghiệp than trời vì bị giả bình gas, cơ quan kiểm định kỹ thuật kết luận: Không thấy gì nhưng khi tiêu hủy, cơ quan chức năng lại phát hiện bình gas bị cắt quai, mài vỏ.

“Nếu không xử lý triệt để, nạn hoán cải vỏ bình gas sẽ gây thiệt hại cho các công ty gas làm ăn chân chính, đặc biệt người tiêu dùng sẽ gặp nguy hiểm khôn lường”. Đó là bức xúc của bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, trước những vụ vi phạm hoán cải vỏ bình gas trong thời gian gần đây.

 

Cắt quai, mài vỏ bình gas gốc

 

Theo thông tin từ bà Lê Thị Anh Mẫn, tháng 11/2011, cơ quan chức năng đã phát hiện 21 vỏ bình gas của Chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Petro miền Trung (quận 12, TP.HCM) không đủ điều kiện lưu thông. Trên quai xách của các bình gas này, dòng chữ tested (thông tin ngày thử, ngày xuất kho) là tháng 12/2011, trong khi thời điểm bị phát hiện là… tháng 11/2011 (!).

 

Nghi ngờ có dấu hiệu bình bị cắt quai, mài vỏ, cơ quan chức năng đem các vỏ bình gas trên đi kiểm định. Với kết luận “qua kiểm tra bên trong và bên ngoài không phát hiện thấy có dấu hiệu mài trên vỏ chai” từ Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn Khu vực II (trung tâm), đơn vị vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính.

 

Sau đó, khi đem tiêu hủy số bình gas trên, chẻ ngang thân bình, gần chỏm chai, cơ quan chức năng lại phát hiện 12 bình có chữ nổi của các nhãn hiệu gas khác (Origin gas, Futagas Co, Vinagas, Saigon Gas…).

 

Điều này cho thấy số bình gas này đã bị mài nhãn hiệu gốc để hoán cải thành nhãn khác. (Thường người hoán cải bình gas sẽ mài mòn vỏ bình ở phần thương hiệu được dập nổi, sau đó đắp lên nhãn hiệu mới và sơn lại, đồng thời họ cắt quai bình gas và thay bằng quai mới - NV).

 

 

“Không phát hiện thấy” nhưng thấy rõ mồn một!

 

Vì sao trung tâm không phát hiện việc hoán cải? Tiếp xúc với người viết, đại diện trung tâm cho biết cơ quan công an yêu cầu kiểm tra xem bình gas có bị cắt quai, mài vỏ hay không.

 

Trung tâm đã dùng phương pháp ngoại quan, làm sạch bên ngoài vỏ bình để kiểm tra dấu hiệu bất thường, xem số liệu trên quai có bị đóng chìm không, trên thân có dấu hiệu mài vỏ rồi đóng lại hay không… và dùng đèn soi bên trong vỏ bình nhưng không thấy có dấu hiệu bị mài vỏ.

 

Tuy nhiên, vị đại diện trung tâm cũng nói: “Với cách kiểm tra mà chúng tôi áp dụng thì độ tin cậy không cao, do hạn chế về thiết bị nên không thể khẳng định 100% là không có mài vỏ. Vì vậy chúng tôi chỉ trả lời với cơ quan công an là “không phát hiện thấy”. Qua vụ này, vừa qua trung tâm đã trang bị thêm máy chụp để đáp ứng nhu cầu thực tế”.

 

Vậy vì sao khi kiểm tra, trung tâm không dùng máy móc thiết bị? Vị đại diện này lại nói: Công an yêu cầu kiểm tra bình có bị cắt quai, mài vỏ không chứ không phải là kiểm định kỹ thuật an toàn nên không dùng thiết bị kiểm tra thử độ bền, thử kín xem bình gas có bị xì không…

 

Trước ý kiến của trung tâm, Chi hội Gas miền Nam bức xúc: “Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ yêu cầu kiểm tra bình gas có bị cắt quai, mài chữ hay không, còn việc dùng phương pháp kiểm tra nào là do trung tâm quyết định, miễn sao cho kết luận đúng. Nếu không thể phát hiện dấu hiệu vi phạm thì nên trả lại và đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra đưa đi kiểm tra ở đơn vị khác chứ không thể trả lời như vậy được. Khi kiểm tra, việc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là tiêu chí đầu tiên. Chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra làm rõ những khuất tất trong bản kết luận này”.

 

Bức xúc trên là chính đáng, bởi đâu chỉ có 21 bình gas bị phát hiện mà còn rất nhiều vỏ bình như thế đang tồn tại bên ngoài như quả bom nổ chậm đe dọa người tiêu dùng.

 

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty CP MTGAS, cho biết: “Tháng 5/2012, Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp M. (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) chiếm dụng 91 vỏ bình của MTGAS để cải tạo thành bình gas của M.”.

 

Nếu cơ quan chức năng cứ kiểm định kỹ thuật như vụ 21 bình gas nói trên thì mọi hậu quả người tiêu dùng sẽ lãnh đủ, như ý kiến đại diện Chi hội Gas miền Nam nhấn mạnh: “Không phải cứ đổ lỗi do thiết bị máy móc rồi sau đó rút kinh nghiệm bằng cách sẽ trang bị thêm máy móc. Khi ấy thì mọi sự đã rồi, hậu quả có khi cũng đã xảy ra rồi!”.

 

Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định vỏ chai gas thuộc sở hữu của các công ty gas cho người tiêu dùng ký cược. Khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc muốn chuyển sang sử dụng gas của thương nhân khác, người tiêu dùng phải thông báo cho người giao hàng đến thu hồi lại vỏ và trả lại tiền ký cược theo thỏa thuận. Thực tế người tiêu dùng không thực hiện đúng quy định, thường để cửa hàng này lấy vỏ bình gas của cửa hàng kia, rồi qua nhiều vòng thu gom, bình gas rơi vào tay các đầu nậu đem đi sang chiết, nạp lậu hoặc hoán cải vỏ.

 

 

Theo Pháp luật TP.HCM

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo