Lúc trước khi lọt tầm ngắm thanh tra, dự án đất vàng Thanh Xuân có gì hot?
Những con số biết nói
Tháng 7.2016, dự án Thanh Xuân Complex (tên gọi khác là 24T3 Hapulico) tại phố Lê Văn Thiêm tràn ngập các phương tiện truyền thông BĐS. Sơ qua pháp lý dự án (Công ty CP phát triển Thanh Xuân làm chủ đầu tư) như sau. Theo GPXD ngày 6.5.2016, dự án Khu hỗn hợp nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ Thanh Xuân Complex có tổng diện tích lô đất 14.744m2: bao gồm hỗn hợp nhà ở cao tầng (24 tầng, không bao gồm 1 tầng kỹ thuật và 3 tầng hầm), nhà ở thấp tầng (cao 4-5 tầng, tổng diện tích xây dựng tầng 1 là 3.905m2).
Nguyên lai, khu đất dự án có mục đích sử dụng là phục vụ sản xuất – kinh doanh của DN. Năm 2013, Thành phố Hà Nội cho công ty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân thuê 14.744m2 đất tại Lê Văn Thiêm phục vụ sản xuất, kinh doanh kho bãi. Đến tháng 8.2014, Hà Nội chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại số 6 Lê Văn Thiêm.
Liền tiếp sau đó, khu đất vàng quận Thanh Xuân được bổ sung hồ sơ nhằm khép kín lộ trình khai sinh ra dự án như ngày nay: Giấy phép quy hoạch của Sở QH&KT ngày 6.8.2015 cấp cho chủ đầu tư Công ty CP phát triển Thanh Xuân (chứ không phải Công ty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân? – PV); Công văn ngày 26.8.2015 của UBND Thành phố chấp thuận nguyên tắc chủ trương đầu tư dự án; Quyết định chủ trương đầu tư 6612/QĐ-UBND của Hà Nội...
Đáng chú ý, trước thời điểm dự án được cấp phép xây dựng, triển khai, tỷ trọng đất xây dựng nhà ở của tổ hợp này đã bất ngờ thay đổi. Căn cứ Quyết định cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất (ngày 28.12.2015), chủ đầu tư được sử dụng (dự kiến) khoảng 2.600m2 đất để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng và nhóm nhà ở cao 24 tầng và 5.609m2 dành xây nhà ở thấp tầng. Bên cạnh đó, phải dành 3.633m2 (nằm ngoài khối công trình hỗn hợp cao tầng và nhóm nhà ở để trồng cây xanh, tạo cảnh quan; ngoài ra là 2.902m2 phục vụ xây dựng đường nội bộ, đường quy hoạch...
Vài tuần sau, ngày 20.1.2016, dự án được điều chỉnh chỉ tiêu đất theo hướng: Diện tích đất xây nhà ở cao tầng "vọt" lên 6.233m2, trong khi diện tích đất phục vụ xây nhà thấp tầng (5.609m2) và đất làm đường nội bộ (2.902m2) không đổi... Lý do là chủ đầu tư "xin điều chỉnh" hình thức sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cao tầng theo bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 đã được chấp thuận, phê duyệt bởi Sở ngành Hà Nội.
Đến đây, xuất hiện nghi vấn 3633m2 đất cây xanh, cảnh quan của dự án đã được "chuyển hóa" thành xây nhà ở cao tầng (2.600 + 3633 = 6.233m2)?
"Chiêu trò" thâu tóm đất đai?
Theo danh sách mà Bộ Tài chính gửi Thanh tra Chính phủ để tham khảo, khu đất tại Lê Văn Thiêm thuộc hạng mục "Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa của các tổ chức của Nhà nước".
Cụ thể, trong tổng cộng 14.744m2 đất Lê Văn Thiêm, phần đất đã được UBND TP Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng (sang thực hiện khu hỗn hợp nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ Thanh Xuân – tức dự án Thanh Xuân Complex) là 6.233m2. Số liệu này được căn cứ theo Quyết định 7193/QĐ-UBND ngày 28.12.2015 của UBND TP Hà Nội.
Chủ đầu tư nguyên là công ty CP vận tải hành khách Thanh Xuân (đổi tên theo chứng nhận kinh doanh đăng ký thay đổi lần 8 ngày 15.8.2014 thành công ty CP phát triển Thanh Xuân). Còn nhớ, giai đoạn 2013 - 2014, Vinamotor đã phải thoái toàn bộ phần vốn tại Cty nêu trên (51% vốn điều lệ) do DN hoạt động bết bát. Ở thời điểm bán đấu giá toàn bộ lô cổ phần của Vinamotor, Cty CP vận tải hành khách Thanh Xuân có vốn điều lệ thực góp vỏn vẹn chưa tới 7,5 tỷ đồng. |
Thông tin từ một số đơn vị báo chí chính thống hồi tháng 8.2016 khẳng định: dự án Thanh Xuân Complex và KĐT Hapulico có cùng một công ty mẹ. Trái lại, thời điểm đó, khi trao đổi qua điện thoại, đầu dây phía công ty chủ đầu tư Hapulico Complex khẳng định “BĐS Hapulico và Cty Thanh Xuân là 2 pháp nhân độc lập”.
Tháng 8.2016, xuất hiện vài nguồn tin PR khẳng định: Sau khi được Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị thương mại mua lại và tái cơ cấu, công ty CP phát triển Thanh Xuân đã phát triển thần kỳ (năng lực tài chính với vốn sở hữu lên tới 305 tỉ đồng và đủ năng lực để thực hiện dự án Thanh Xuân Complex).
Theo tìm hiểu, năm 2008, Công ty CP Đầu tư BĐS Hapulico (chủ đầu tư Hapulico Complex) được cấp giấy đăng ký kinh doanh với 5 thành viên, trong đó có Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại. Tới năm 2011, xảy ra sự vụ "gà nhà đá nhau" giữa Công ty Hapulico và Công ty Ba Đình (cổ đông sáng lập) – khi ấy, Phó Chủ tịch HĐQT Hapulico là ông Phạm Đình Mạnh. Một chi tiết thú vị: người đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Thương mại hiện tại có tên là Phạm Đình Mạnh đầy trùng hợp (?)
Phải chăng, CEO của công ty Hapulico đã sáng lập ra pháp nhân khác để hợp thức việc mua lại/tái cơ cấu Công ty CP Vận tải hành khách Thanh Xuân với đích xa hơn là "thâu tóm" khu đất vàng hơn 10.000m2 dưới tên gọi "dự án"?!
End of content
Không có tin nào tiếp theo