Lúng túng giảm ô nhiễm
Còn mơ hồ
Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2015, thành phố sẽ thu gom, xử lý 100% chất thải rắn đô thị thông thường, chất thải rắn nguy hại, nước thải công nghiệp và y tế; 100% khu công nghiệp - khu chế xuất trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam.
Để giải quyết các vấn đề trên, có 12 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5.000 tỉ đồng, do Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì thực hiện.
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường, hiện tình trạng xả rác, tiểu tiện, phóng uế bừa bãi ở các lề đường, vỉa hè có nguyên nhân từ việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường quá nhiều. Tuy vậy, chưa có chính sách và giải pháp cụ thể để sắp xếp, chấn chỉnh tình trạng này, ngay cả việc xử phạt các hành vi trên là rất khó thực thi vì thiếu lực lượng.
Công tác tuyên truyền thực hiện khá nhiều nhưng vì chưa gắn chặt với việc xử lý vi phạm nên mất dần hiệu quả. Cạnh đó, ô nhiễm không khí phát sinh từ giao thông đang ở mức nguy hiểm và tác động trên số lượng lớn cư dân đô thị song đến nay vẫn chưa có một cơ quan đầu mối nào đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết.
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố, đưa ra nhiều thắc mắc đối với một số biện pháp mạnh trong xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm: Ủy ban Nhân dân Thành phố ký quyết định đình chỉ nhưng ai giám sát, khi nào khắc phục xong thì cho hoạt động trở lại? Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng mà không khắc phục thì cấm hoạt động, di dời; việc này thực hiện như thế nào?...
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Tương Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 12, đặt câu hỏi: Đình chỉ doanh nghiệp là bao gồm cả hoạt động sản xuất kinh doanh hay chỉ đình chỉ hành vi gây ô nhiễm? Vấn đề này được đại diện Sở Tư pháp Thành phố trả lời là chỉ đình chỉ hành vi phát sinh ô nhiễm. Tuy nhiên, ý kiến này gặp phải sự phản đối của hầu hết đại biểu dự họp.
Phải xác lập trách nhiệm rõ ràng
Trong vấn đề quản lý chất thải rắn ở các địa phương cấp phường-xã, đại diện Sở Tài nguyên -Môi trường cho biết có những kế hoạch triển khai xuống ngày càng tắc vì cấp chính quyền này chỉ có một cán bộ phụ trách chung cả môi trường và tài nguyên. Hoạt động thu gom rác dân lập ở vùng ven chủ yếu sử dụng xe thô sơ, để nước rỉ rác chảy ra đường.
Việc chọn được một địa điểm trung chuyển rác tại các địa phương cũng rất khó khăn vì thường gặp phải sự phản ứng của người dân. Trong khi đó, nhiều khi rác không được thu gom kịp thời chỉ vì chủ thầu dân lập tự ý ngưng bởi các lý do như xe hư, nghỉ lễ, ốm đau...
Tại khu vực trung tâm, rác ở lòng đường được thu gom bởi Công ty Dịch vụ công ích nhưng trên lề đường thì đơn vị khác chịu trách nhiệm. Hệ thống thùng chứa rác cũng chưa bảo đảm về yếu tố vệ sinh lẫn tính thẩm mỹ.
Năm cơ sở đầu độc kênh Tham Lương Ngày 10/5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TPHCM phối hợp với thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại “điểm nóng” phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Năm cơ sở được kiểm tra hoạt động trong lĩnh vực giặt ủi, hấp tẩy đều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cụ thể, các cơ sở này đều sử dụng nhiên liệu đốt lò là củi và vỏ hạt điều nhưng không lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi, nước thải phát sinh không qua xử lý mà tập trung vào hệ thống hố ga, sau đó cho chảy thẳng ra kênh Tham Lương. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân sản xuất vải Phú Lộc và hộ kinh doanh cá thể Vũ Văn Tuấn dù đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng hệ thống này không vận hành do bị hư từ lâu. Riêng Công ty TNHH MTV Thời trang Anh Nhật và hộ kinh doanh cá thể Quốc Huy không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Cả bốn cơ sở này đều có “tiền sử” gây ô nhiễm môi trường và bị xử phạt hành chính trong quá trình hoạt động. Tham gia “đầu độc” kênh Tham Lương còn có chi nhánh Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Minh Phụng. T.Sương |
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo