Xã hội

Lương chưa đủ 50% mức sống tối thiểu

Đây là kết quả khảo sát vừa được Viện Công nhân - công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) công bố sáng 9-11, tại hội thảo Báo cáo kết quả khảo sát về lương, thu nhập, mức sống tối thiểu và thực trạng bữa ăn giữa ca của người lao động.

Ông Đặng Quang Hợp, chuyên viên cao cấp của Viện Công nhân - công đoàn, cho biết qua khảo sát, lấy 2.000 phiếu từ người lao động ở 60 doanh nghiệp thì mức lương cơ bản (mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và các khoản phụ cấp) trong doanh nghiệp nhà nước đạt gần 3 triệu đồng/tháng, nhưng lương cơ bản của người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt gần 2,4 triệu đồng.

Tiền lương: chỉ đáp ứng 40-46% chi tiêu

Nếu tính theo ngành nghề, tiền lương thực nhận của người lao động ở lĩnh vực giao thông, xây dựng đạt 3,53 triệu đồng/người/tháng; cơ khí, điện tử đạt 2,89 triệu đồng; dịch vụ thương mại là 2,78 triệu đồng; chế biến nông, lâm, thủy sản là 2,71 triệu, thấp nhất là da giày chỉ có 2,58 triệu đồng/tháng. Tính về tổng thu nhập thì bình quân người lao động đạt 3,62 triệu đồng/tháng. Trong đó, lao động trong doanh nghiệp nhà nước có mức thu nhập cao nhất với gần 4,5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp FDI là hơn 3,7 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh 3,48 triệu đồng.

Nghiên cứu của viện cũng tập trung vào khảo sát mức chi tiêu và mức sống tối thiểu của người lao động tại 60 doanh nghiệp được khảo sát. Kết quả cho thấy chi tiêu của một gia đình
người lao động (ba người) khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Với mức chi tiêu này thì tiền lương tối thiểu theo vùng mới chỉ đáp ứng 40-46% chi tiêu của người lao động.

Bữa ăn: thấp chất lượng, nghèo dinh dưỡng

Cùng với khảo sát về lương, thu nhập, viện cũng khảo sát thực trạng bữa ăn ca từ 2.000 người lao động và cán bộ quản lý doanh nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố đại diện khắp Bắc - Trung - Nam.

Theo ông Trần Ngọc Ánh - thành viên tổ nghiên cứu, đa số các doanh nghiệp (95%) đã có hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động với mức bình quân mỗi suất ăn là 13.900 đồng (khoảng 368.000 đồng/tháng), thậm chí có doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ đến 16.000 đồng. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ bữa ăn chỉ là 75%, vẫn còn 5% doanh nghiệp không hỗ trợ tiền ăn giữa ca. Theo kết quả khảo sát thì có 10,4% người lao động được hỗ trợ một nửa tiền ăn ca với mức trung bình là 8.000 đồng, thậm chí có nhiều doanh nghiệp chỉ hỗ trợ 5.000 đồng, còn lại người lao động phải tự góp. Về lượng bữa ăn, người lao động trong doanh nghiệp FDI và công ty cổ phần phải ăn uống kham khổ hơn cả.

Về an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp FDI bị phàn nàn về bữa ăn mất vệ sinh cao nhất, chiếm tới hơn 41%, công ty cổ phần là hơn 31%. Ông Trần Ngọc Ánh cho biết theo đánh giá của Viện dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người lao động tại một số khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được gần 90% nhu cầu về năng lượng. Đặc biệt, bữa ăn của người lao động không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng khi trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% lượng protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột (gạo, ngô, khoai).

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo