Xã hội

Lương GV mầm non còn bất cập

Nhắc đến vai trò quan trọng của GV mầm non, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: "Vấn đề lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ giáo viên chúng ta đã làm nhưng còn nhiều bất cập. Đơn cử như vấn đề lương".

Ngày 13/2, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ 1, triển khai nhiệm học kỳ 2 năm học 2013-2014; triển khai thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị của ngành giáo dục sáng 13/2 (Ảnh: Văn Chung).
 
Bên cạnh nội dung đổi mới thi cử, vấn đề phổ cập giáo dục mầm non cũng nhận được quan tâm, lưu ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
 
Con số 17 tỉnh hoàn thành phổ cập thấy có vẻ thấp, nhưng theo Phó Thủ tướng nếu để ý thì thấy chúng ta có 75% số xã phổ cập, còn lại 25%. Dù vậy cũng cần quyết tâm lớn để hoàn thành phổ cập.
 
Trong tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông Đam đề nghị lãnh đạo tỉnh và các giám đốc sở là phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau. Có thể chưa có nhà xây kiên cố hiện đại ngay thì có những nhà an toàn, sạch sẽ, hợp vệ sinh để làm phổ cập.
 
Một điều rất quan trọng trong vấn đề phổ cập mầm non là giáo viên. Theo ông Đam: “Vấn đề lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ giáo viên chúng ta đã làm nhưng còn nhiều bất cập. Đơn cử như vấn đề lương - cũng có nhiều ý kiến khác nhau: Giáo dục muốn đổi mới căn bản toàn diện cần nhiều điều kiện, trong đó cần thay đổi căn bản lương của đội ngũ giáo viên. Nhưng chúng ta không biết, việc này không thể làm một lúc được".
 
Lý giải về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho hay Trung ương đã bàn hai kỳ về đề án cải cách tiền lương nhưng chưa ra được Nghị quyết bởi để sắp xếp lại lương VN cần 1 triệu rưỡi tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách có 1 triệu tỷ đồng.
 
Bài toán biên chế giáo viên theo Phó Thủ tướng phải rất khách quan. Những năm vừa qua Đảng, Nhà nước đã có chính sách phát triển giáo dục, trong đó có mầm non dẫn tới biên chế giáo viên nên chỉ mấy năm đã tăng 500.000.
 
“Chúng ta đã chuẩn hóa chia nhỏ lớp và bây giờ một số địa phương có báo cáo là thừa giáo viên phổ thông, trong khi đó giáo viên mầm non thiếu.” – lời ông Đam.
 
Tiến tới đây khi đổi mới chương trình, SGK cần kết hợp giữa tuyển dụng mới và vấn đề tạo tạo lại, chuyển hướng cho hệ thống giáo viên như thế nào để chúng ta tính trong tổng học sinh với giáo viên biên chế. Song song với đó là chúng ta phải đẩy mạnh xã hội hóa.
 
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, ngành giáo dục tiếp tục rà soát những bất cập thiếu nhà trẻ mẫu giáo trong những nơi có đông công nhân, nhiều khu công nghiệp, các vùng phát triển công nghiệp mới, các nhóm trẻ chưa được cấp phép...
 
Ông Đam cho biết tới đây Chính phủ sẽ có buổi làm việc riêng với Bộ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách mảng giáo dục mầm non Nguyễn Thị Nghĩa cho biết đến nay đã có 13 tỉnh, thành được kiểm tra công nhận chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Các địa phương này tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía Bắc như Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang.
 
Tuy nhiên, tỉ lệ như vậy theo Thứ trưởng còn rất thấp so với mục tiêu phải hoàn thành phổ cập bậc mầm non 5 tuổi trên cả nước vào 2015. Nhiều nơi cả tỉnh không có huyện nào được công nhận chuẩn.
 
Khó khăn lớn về cơ sở vật chất trường lớp, tình trạng giáo viên vừa thiếu vừa yếu cũng được bà Nghĩa nhắc tới.
 
“Đặc biệt một số khu công nghiệp, khu chế xuất thiếu trường lớp cho trẻ. Chính điều này dẫn tới tồn tại nhiều nhóm lớp độc lập, tư thục tồn tại không cấp phép. Cộng với cơ sở vật chất và đội ngũ không đảm bảo nên đã xảy ra những vụ bạo hành trẻ em” – lời Thứ trưởng.
 
“Chúng ta không nóng vội, chạy theo thành tích nhưng không phải dậm chân tại chỗ. Các địa phương cần ưu tiên chính sách phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, quan tâm chính sách chế độ cho giáo viên”. 
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo