Lương ngành nào cao nhất và thấp nhất tại Việt Nam?
Kết quả điều tra lực lượng lao động năm 2013 do ILO thực hiện cho thấy, lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với bình quân 7,23 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tới một nửa lực lượng lao động cả nước nhưng thuộc nhóm lao động có mức lương thấp nhất.
Theo ILO tại Việt Nam, chỉ khoảng một phần ba số lao động có việc làm là được hưởng lương - nguồn thu nhập chính. Tỷ lệ này khá thấp so với trung bình trên thế giới (khoảng hơn 50%).
Tuy nhiên, Việt Nam đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này với thế giới, bởi tỷ lệ lao động làm công ăn lương trên tổng số lao động có việc làm được dự báo là sẽ tăng nhanh trong những thập niên tới.
Cụ thể, năm 2013, số lao động làm công ăn lương chiếm 34,8% tổng số lao động có việc làm so với con số 16,8% vào năm 1996.
Chênh lệch lương theo ngành và giới
Kết quả điều tra lực lượng lao động năm 2013 do ILO thực hiện cho thấy, lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lương cao nhất với bình quân 7,23 triệu đồng/tháng. Điều thú vị là lao động nữ đang làm việc trong hai ngành này được trả lương cao hơn nam giới.
Đứng thứ hai là ngành hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ và hoạt động kinh doanh bất động sản. Những ngành này có mức lương bình quân hàng tháng cao nhất tương ứng là 6,53 triệu đồng và 6,4 triệu đồng.
Trong khi đó, ngành nông, lâm, thủy sản lại có mức lương bình quân tháng thấp nhất (2,63 triệu đồng).
Báo cáo cho thấy, trong khi các ngành nông nghiệp chiếm khoảng một nửa lực lượng lao động nhưng tỷ lệ lao động làm công ăn lương của ngành này chỉ chiếm hơn 10% trong tổng số lao động làm công ăn lương ở Việt Nam và là ngành có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, nếu như tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở mức chưa đến 10%, nhưng đối với ngành nông nghiệp - ngành có mức lương rất thấp, con số này là 32%. Đây là mức chênh lệch lớn nhất so với tất cả các ngành.
Đánh giá về vấn đề này, bà Sandra Polaski, Phó tổng giám đốc ILO cho biết, đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chính - trên thế giới, tiền lương là nguồn sinh kế của hơn một nửa số lao động có công ăn việc làm.
Ở hầu hết các nước châu Á đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ lao động làm công ăn lương trong tổng số lao động có việc làm ở mức thấp hơn, do trình độ phát triển và do ngành nông nghiệp và canh tác quy mô nhỏ còn phổ biến. Nhưng số lượng lao động làm công ăn lương đang tăng mạnh.
Vì thế, mức lương và sức mua của tiền lương có ảnh hưởng lớn đối với mức sống. Tất nhiên, câu hỏi thế nào là đủ cho một mức sống đảm bảo cần phải được xem xét cẩn trọng.
“Luôn là chủ đề nóng”
“Tiền lương và cách thức phân bổ tiền lương có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với người lao động mà còn đối với cách thức phát triển và tiến hóa của xã hội. Tiền lương là chỉ số quan trọng cho thấy một xã hội sẽ trở nên bình đẳng hơn hay bất bình đẳng hơn. Do đó đối với người lao động, tiền lương là nguồn thu nhập chính, bởi vậy tiền lương luôn là chủ đề tranh luận nóng”, bà Sandra Polaski nhìn nhận.
Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, mức tiền lương có ảnh hưởng rất lớn đến mức sống. Từ năm 2005, trong các nước ASEAN, tiền lương thực tế (sau khi đã loại trừ yếu tố lạm phát) tăng trưởng rất thấp. Hai năm qua, tiền lương thực tế Việt Nam tăng mạnh một phần là do lương tối thiểu tăng cao.
Theo ông Gyorgy Sziraczki, là một thành viên của ASEAN với các mối quan hệ thương mại ngày càng sâu rộng, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng cao và thịnh vượng trong thập niên tới.
Năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường và một nền sản xuất chung duy nhất cho toàn khu vực. Tự do thương mại và đầu tư sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế và thị trường lao động trong thập niên tới.
Với những thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc do AEC mang lại và các chính sách hỗ trợ đúng đắn, Việt Nam có thể gia tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường quốc tế trên cơ sản năng suất lao động cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Các thể chế và chính sách xác lập tiền lương đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi cấu trúc, hiện đại hóa công nghiệp và hội nhập quốc tế.
“Những thách thức được đặt ra với Việt Nam hiện nay là: tác động của lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, xác định lương tối thiểu đối với doanh nghiệp, vấn đề thỏa ước lao động... Đây là những vấn đề cần được bàn thảo và từng bước xây dựng thành chính sách để đi vào đời sống thực tế”, ông Gyorgy Sziraczki nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo