Lương thấp, người kém, sao quản lý nhà nước giỏi được?
Trước phàn nàn của Bộ trưởng Y tế rằng “lương thấp, thiếu biên chế” nên chỉ tuyển được người kém để xây dựng luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Cứ đòi biên chế cho đủ sức mà vài ba năm mới làm một luật, thì không biên chế nào chịu nổi”.
Yêu cầu đủ biên chế là “vô cùng”
Trong phiên họp chính phủ (20-21.3) về xây dựng văn bản luật, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lên tiếng phàn nàn về “bài toán nhân lực, khi Vụ Pháp chế của Bộ chỉ có biên chế quá thấp.
“Một người lo bằng kho người làm, nhưng đụng đâu cũng trần biên chế” - Bộ trưởng Tiến nói. Bà so sánh, nếu ở các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế thừa 5.000 người, thì cơ quan hành chính là đơn vị đầu não lại... quá cực khổ mỗi khi xin thêm biên chế.
“Chúng tôi cần người giỏi vào Ban Chỉ đạo, chứ hiện nay lương như vậy, biên chế làm hợp đồng mãi thì họ chán, nên chỉ tuyển được... người yếu. Người giỏi đi chỗ khác thì làm sao quản lý nhà nước giỏi được. Nên đề nghị xem lại về biên chế, nên giảm ở hệ thống nào, chứ những người hoạch định chính sách của cả đất nước lại hạn chế, mà dưới đơn vị sự nghiệp lại thừa” - Bộ trưởng Tiến nói.
Liên quan đến khuyến nghị của Bộ Y tế về nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu các Vụ Pháp chế cần tuyển người có năng lực vào làm. Còn nói không đủ biên chế thì vô cùng, vì thế nào là đủ?
“Ví dụ, có khi một năm chỉ làm 1 bộ luật và mấy nghị định, thì nòng cốt là Vụ pháp chế. Nhưng từng luật và nghị định thì mời chuyên gia giỏi và có thù lao đàng hoàng, làm xong thì thôi. Chứ cứ đòi biên chế cho đủ sức mà vài ba năm mới làm luật, thì biên chế không chịu nổi” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời.
Phong trào làm... chiến lược
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế đề nghị việc lập các chiến lược quy hoạch nên xuất phát từ thực tế của bộ, và chỉ nên trình chính phủ những nghị định, chiến lược tổng thể của toàn ngành. Chứ mỗi đơn vị đều trình lên chiến lược riêng, từ phòng chống lao, dinh dưỡng, y tế dự phòng... “Khi tôi hỏi thì được biết nếu để cấp bộ xây dựng chiến lược và không trình chính phủ phê duyệt, thì không có tiền, nên cứ trình lên”.
Bộ trưởng Tiến khuyến nghị Chính phủ chỉ nên xây dựng chiến lược, phê duyệt các chính sách bao trùm. Còn những “cái con con” thì nên để bộ quyết định. “Vì mỗi lần xây dựng một chiến lược, quy hoạch là giống hệt xây dựng một nghị định: Phải làm việc với bộ ngành liên quan, rồi Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ rồi trình Thủ tướng. Rất nhiều nơi”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận đang “có một phong trào làm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch”. “Nặng nề quá” - người đứng đầu chính phủ phê phán. Thủ tướng yêu cầu “cần xem lại cái gì lâu dài nên để là chiến lược, còn cái gì cần quy hoạch, kế hoạch thực hiện.
“Ví dụ có Nghị quyết T.Ư về khoa học đào tạo rồi, có cần làm chiến lược nữa không? Quan trọng là Chính phủ làm chương trình hành động, rồi bộ làm kế hoạch hành động. Chứ cứ dồn sức làm chiến lược, thì loay hoay lại đọc giống hệt như thế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Thủ tướng phiền lòng khi nhiều chiến lược trình lên, cũng thấy gần na ná Nghị quyết T.Ư. “Mà làm thì tốn rất nhiều công sức” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định dù đất nước còn nghèo, nhưng không thể nói thiếu kinh phí nên không thể làm được luật, được thông tư. Nếu như vậy là khuyết điểm của chính phủ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải cấp kinh phí theo nhiệm vụ, theo số lượng thực tế, bộ nào làm bao nhiêu nghị định, thông tư thì có dự toán để cấp kinh phí. “Còn không thể cấp kinh phí cứng cho mỗi năm” - Thủ tướng nêu.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo