Lương tối thiểu năm 2018 tăng 6,5%: Người lao động chưa hài lòng
Như thông tin đã đưa, sáng nay 7/8, tại Hà Nội, phiên họp thứ 3 về tăng lương tối thiểu vùng 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia tiếp tục được diễn ra.
Phiên họp bắt đầu từ lúc 8h30 đến khoảng 10h45 thì kết thúc. Sau hơn 2 giờ thương lượng, các bên đại diện cho giới chủ sử dụng lao động và người lao động đã chính thức chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%.
Như vậy, so với mức đề xuất ban đầu tại 2 phiên thương lượng đã diễn ra trước đó, cả Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và VCCI đều có sự nhượng bộ và điều chỉnh để đi đến tiếng nói chung. Cụ thể, phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã giảm mức đề xuất từ 13,3% xuống 6,5%, còn phía VCCI từ mức 5% đã chịu tăng lên mức 6,5%.
Được biết, mức tăng 6,5% tương đương với vùng I tăng 230.000 đồng; vùng II tăng 210.000 đồng; vùng III 190.000 đồng; vùng IV 180.000 đồng so với năm 2017.
Ngay sau khi các bên chốt phương án tăng lương tối thiểu, nhiều người lao động cho biết chưa hài lòng với mức này bởi họ cho rằng còn thấp, chưa đủ đáp ứng được mức sống tối thiểu của họ...
Anh Hoàng Văn Hiệp (nhân viên tại một công ty trên địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Với mức tăng 6,5% tôi nghĩ là thấp nhưng dù sao tăng vẫn hơn không tăng. Vẫn biết doanh nghiệp ngày càng phải chịu cạnh tranh gay gắt và người lao động cần thông cảm để cùng doanh nghiệp ổn định sản xuất, nhưng ít nhất người lao động cũng phải cần đảm bảo được mức sống của mình".
"Nói thật với bản thân tôi mức tăng như vậy là thấp nhưng với đa số người lao động là hợp lý bởi tùy từng vùng. Nếu như ở Hà Nội, giá cả đắt đỏ thì như thế là thấp, nhưng ở các vùng khác, mức sống thấp hơn thì mức tăng như vậy là tạm được. Dù đây mới chỉ là phương án đề xuất nhưng bản thân tôi nghĩ Chính phủ sẽ thông qua phương án này", anh Hiệp chia sẻ.
Tương tự, chị Hiền (kế toán một doanh nghiệp ở Hà Đông, Hà Nội) mặc dù tỏ ra hài lòng nhưng vẫn cho mức tăng 6,5% là thấp. "Doanh nghiệp có cái khó của doanh nghiệp nhưng người lao động cũng có cái khó của họ. Vì vậy cần hài hòa lợi ích của các bên để cùng phát triển. Với mức tăng 6,5% tôi nghĩ là thấp bởi mức cao nhất như ở vùng 1 tăng 230.000 đồng thì cũng chưa đủ tiền đi một đám cưới chứ chưa nói gì đến đóng góp vào mức sống chung của gia đình".
"Nói gì thì nói, có người lao động thì doanh nghiệp mới vận hành và phát triển được. Vì thế, đời sống của họ cũng rất quan trọng, họ đâu chỉ có công việc còn có gia đình, con cái và chi tiêu... và rất nhiều thứ khác", chị Hiền nói thêm.
Được biết, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% sau khi kết thúc phiên họp sáng 7/8 mới chỉ là phương án của các bên đã thống nhất. Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định