Quốc tế

Lưu Bị có thực sự nghi kỵ Gia Cát Lượng?

Lịch sử cho thấy Lưu Bị và Gia Cát Lượng không giống những cặp quân thần khác, giữa họ tồn tại một mối quan hệ khá đặc biệt.

Mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa vẫn được xem là tấm gương quân thần chuẩn mực cho hậu thế. Tuy nhiên gần đây, xuất hiện những ý kiến cho rằng hai người này không thân thiết như "quân thần cá nước", thậm chí nghi kỵ lẫn nhau.

Mọi vấn đề đều cần xem xét từ nhiều mặt, thuyết âm mưu không phải là hoàn toàn vô lý. Nhưng nếu muốn đánh giá Lưu Bị và Gia Cát Lượng thì nên đặt họ dưới lăng kính tương đối đáng tin của lịch sử, chứ không phải là góc nhìn ảo diệu của tiểu thuyết. Và lịch sử cho thấy rằng, Lưu Bị và Gia Cát Lượng không giống những cặp quân thần khác, giữa họ tồn tại một mối quan hệ khá đặc biệt.

Như cá với nước

Đầu tiên, phải kể đến điển tích “Tam cố thảo lư” mà ai ai cũng biết. Thật ra, cầu hiền tài không lạ, Chu Văn Vương cầu Khương Tử Nha, đại khái cũng gần giống vậy. Khác biệt chính là, chưa thấy bá chủ hay quân vương nào kiên nhẫn đi tìm một kẻ ẩn cư kém mình đến hai mươi tuổi như Lưu Bị cầu Gia Cát Lượng.

Hai mươi tuổi không phải là khoảng cách nhỏ, đó là cả một thế hệ. Vậy mà, một tướng quân lão luyện đã nửa đời lăn lộn trên chiến trường lại đối đãi một thư sinh non nớt chưa từng trải trận đánh nào vào “bậc thầy”, thế có lạ không?

Lưu Bị và Gia Cát Lượng có mối quan hệ khá đặc biệt.

Thứ nữa, Lưu Bị ví mình với Khổng Minh “như cá gặp nước”. Từ cổ chí kim, chỉ thường nghe “hổ thêm cánh”, “rồng gặp mây” chứ có quân vương nào lại so sánh mình với thần tử như vậy?Cũng không phải tự nhiên Lưu Bị đưa ra phát ngôn này, mà là vì: “Tiên chủ với Lượng tình nghĩa hết sức thắm thiết. Quan Vũ - Trương Phi rất không hài lòng. Tiên Chủ giải thích: “Cô được Khổng Minh, như cá gặp nước vậy. Hai em chớ nên nhiều lời".

Quan Vũ và Trương Phi theo Lưu Bị từ thuở hàn vi, thân thiết như anh em, mà bây giờ phải ghen tị, thì mối quan hệ Bị - Lượng này thắm thiết đến mức nào? Cái đó chúng ta không được biết, chỉ thấy Gia Cát Lượng đại truyện chép: “Ở thời kỳ này Gia Cát Lượng và Lưu Bị ăn cùng bàn, ngủ cùng giường, gắn bó với nhau để nghiên cứu tất cả qui hoạch phòng bị. Bởi hai người cơ hồ như một, khiến Lưu Bị cũng xa rời Quan Vũ và Trương Phi, làm cho hai người ấy nảy sinh vấn đề tâm lý”.

Vậy Lưu Bị và Gia Cát Lượng ”cơ hồ như một” ra sao? Kể từ lúc Ngọa Long xuất sơn cho đến sau Xích Bích, hầu như tất cả các hoạt động lớn nhỏ của tập đoàn Thục Hán, Lưu Bị đều nghe theo ý kiến của Gia Cát Lượng, việc đấy chắc hẳn không cần bàn thêm nữa. Khúc mắc chủ yếu dẫn đến nghi vấn Lưu Bị ngờ vực hay không trọng dụng Khổng Minh là từ khi Bàng Thống xuất hiện.

Tiền tuyến – hậu phương

Ở hai chiến dịch quan trọng là Tây Xuyên và Hán Trung, Lưu Bị đều không dẫn Gia Cát Lượng theo. Điều này làm nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng Bị trọng dụng Bàng Thống, Pháp Chính hơn, vì Lượng chỉ ở nhà làm công tác hậu cần.

 

Đánh giá như thế chứng tỏ tầm hiểu biết quân sự chính trị còn hạn chế. Ai cung cấp lương thảo, khí giới? Ai quản lý hậu phương? Nên biết rằng, quân nhu đầy đủ, hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới đủ khả năng giành thắng lợi. Do vậy, mưu sĩ như Bàng Thống hay Pháp Chính có thể có hoặc không, nhưng người quản lý nội chính như Gia Cát Lượng lại tuyệt không thể thiếu.

Lưu Bị ra chiến trường, toàn quyền quản lý Thành Đô giao lại cho Gia Cát Lượng.

Nếu như vậy vẫn chưa đủ chứng minh địa vị trọng yếu cũng như sự tin tưởng mà Lưu Bị dành cho Gia Cát Lượng, thì Tam Quốc Chí – Gia Cát Lượng truyện viết: “Thành Đô bình định, Lượng lĩnh chức quân sư tướng quân, tạm coi việc Tả tướng quân phủ. Tiên Chủ đánh dẹp bên ngoài, Lượng thường trấn giữ Thành Đô.” Tả tướng quân là chức vị lúc bấy giờ của Lưu Bị, phủ Tả tướng quân là nơi Bị giải quyết việc công. Điều này có nghĩa là: Khi Bị ở Thành Đô, công vụ chủ yếu do Lượng đảm trách. Lúc Bị ra chiến trường, toàn quyền quản lý Thành Đô giao cho Gia Cát Lượng.

Đó cũng là nguyên nhân khiến Lượng không theo Bị đánh Đông Ngô, chứ không phải vì Lượng phản đối Đông chinh. Thực tế, Tam Quốc Chí Chú của Bùi Tùng Chi - vốn tập hợp nhiều sử liệu giai đoạn Tam Quốc - cũng không thấy tài liệu nào ghi rằng Lượng có can gián. Một sự kiện quan trọng của một nhân vật lịch sử vĩ đại, lý nào lại không có lấy một dòng?

Thêm nữa, Long Trung Sách đặt ra phương hướng hòa Ngô, lấy Kinh Châu làm bàn đạp đánh Tào, mà bây giờ Ngô không chịu hòa, Kinh Châu đã mất, Lượng lấy cớ gì phản đối đây? Do vậy, tin rằng lúc này giữa hai người không phát sinh mâu thuẫn, hoặc nếu có thì Khổng Minh cũng đã nhún nhường, vì suốt gần một năm trời Lưu Bị đánh Ngô, quân lương khí giới không hề chậm trễ.

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến việc công tác nhân sự trong tập đoàn đều có sự can dự của Gia Cát Lượng, đơn cử như tiến cử Bàng Thống, giết Lưu Phong, thậm chí cả việc phong quan thăng chức của các tướng lĩnh, bằng chứng là Quan Vũ thắc mắc chuyện tước vị của Mã Siêu thì gửi thư hỏi Lượng chứ không hỏi đại ca mình.

 

Phó thác con côi

Tam Quốc Chí chép: “Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy.”

Trước khi chết, Lưu Bị dặn dò Gia Cát Lượng: “Nếu có thể giúp được con trẫm thì hãy giúp, nhược bằng nó bất tài, Thừa tướng hãy tự làm chủ”. Lời nói đó dẫn đến những tranh cãi suốt ngàn năm chưa ngã ngũ.Thực ra câu này cũng không có gì ghê gớm.Trước Lưu Bị, Tôn Sách cũng đã từng dặn Trương Chiêu: "Nếu Trọng Mưu không nắm được việc thì ngài nên tự nắm lấy"[2]. Cho nên “tự làm chủ” ở đây không nên hiểu theo nghĩa “lên ngôi”, mà là tự quyết định việc lớn của quốc gia, thậm chí cả quyền phế lập nếu thiên tử bất tài.

Bởi, thứ nhất, cả Bị và Lượng đều không phải kẻ ngu dốt, bao nhiêu năm quân thần chẳng lẽ không đủ để hiểu nhau, phút lâm chung bao nhiêu việc quan trọng hơn cần làm, tâm tư nào mà thử lòng nữa?Thứ hai, Thục lúc này ở vào tình trạng hậu chiến, chính trị và quân sự đều bất ổn, vua lại băng hà, rất cần một người có quyền lực tối cao để chỉnh đốn, mà người đó không thể là ai khác ngoài Gia Cát Lượng, cho nên Lưu Bị dùng một câu này thay “thượng phương bảo kiếm” trao Khổng Minh, chẳng có gì là kỳ lạ. Đây là kết quả tất yếu của mối quan hệ đặc biệt suốt mười sáu năm trời đó mà thôi.

Dẫu đến nay, vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi, nhưng khi viết Tam Quốc Chí, Trần Thọ đã khẳng định rằng: “Đến lúc trao việc nước thác con côi cho Gia Cát Lượng, mà lòng không ngờ vực, tin rằng vua tôi đều chí công, là điều chưa từng thấy xưa nay vậy.”

Kết

 

Thực ra, chuyện Lưu Bị và Gia Cát Lượng đối xử với nhau ra sao, người ngoài không thể nào tường tận được. Nhưng không nên dùng những phán xét vẩn vơ, những nghi ngờ vô căn cứ để bôi nhọ một tấm gương quân thần xứng đáng để ngợi ca.

“Quân thần cá nước”.

Tại Thành Đô, người ta xây miếu thờ Gia Cát Lượng nằm trong Huệ Lăng của Lưu Bị, tạo thành hợp tự từ miếu quân thần độc nhất vô nhị của Trung Hoa, hàng năm nghi ngút khói hương; ở Miện Dương, tượng Lưu Bị - Gia Cát Lượng được tạc đứng cạnh nhau, dưới khắc bốn chữ: “Quân thần cá nước”.

Nên đọc
Theo Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo